Ông Don Lâm: 5 điều kiện nâng hạng thị trường để hút 10 tỷ USD

Để thu hút đầu tư nước ngoài, CEO VinaCapital cho rằng quan trọng nhất là nâng hạng lên thị trường mới nổi. Và để được nâng hạng thị trường cần 5 điều kiện quan trọng, trong đó then chốt là thanh khoản.
Ông Don Lâm chia sẻ tại hội thảo
Ông Don Lâm chia sẻ tại hội thảo

Nhận định được ông Don Lâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” trong khuôn khổ “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4” tổ chức ngày 5/6 tại TP.HCM.

Đề cập về thị trường chứng khoán, ông Dom Lâm cho rằng, gần đây, thị trường chứng khoán toàn cầu không ổn định, chịu ảnh hưởng từ vấn đề lạm phát, căng thẳng Nga - Ukraine và lãi suất tăng ở thị trường Mỹ... Thị trường Việt Nam cũng đang giảm mạnh.

“Tôi cho là thị trường giảm ngắn hạn, nhà đầu tư cần bình tĩnh, cần niềm tin, điều này rất quan trọng cho thị trường chứng khoán. Vừa qua có nhiều lùm xùm làm mất niềm tin nhà đầu tư cá nhân, về lâu dài sẽ ổn định, nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ chuyển qua các quỹ đầu tư lớn chuyển nghiệp thì thị trường mới ổn định hơn”, ông Don Lâm cho biết.

Lãnh đạo VinaCapital chia sẻ, qua chuyến công tác nước ngoài mới đây, ông nhận thấy NĐTNN rất quan tâm thị trường chứng khoán Việt Nam, từ nhà đầu tư Mỹ, EU, Hàn Quốc… Lý do lớn nhất là thị trường Việt Nam có định giá hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, năm 2022 P/E là 13 lần, 2023 P/E dự phóng là 10 lần.

Ông Don Lâm cho biết, hiện VinaCapital có 20.000 nhà đầu tư trong và ngoài nước, con số này sẽ tăng hàng ngày, tập trung là nhà đầu tư trong nước. Năm 2021 hai quỹ lớn của VinaCapital là VESAF và VEOF tăng trưởng lần lượt 67% và 56,5%, trong khi VN-Index tăng trưởng 35,7%. Vị này tự tin, nếu năm nay thị trường có xuống 15-20% thì hai quỹ vẫn có hiệu suất dương.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, CEO VinaCapital cho rằng quan trọng nhất là nâng hạng lên thị trường mới nổi. Và để được nâng hạng thị trường cần 5 điều kiện quan trọng, trong đó then chốt là thanh khoản.

“Năm 2019, thanh khoản thị trường chỉ mấy trăm triệu USD/ngày, tới 2021 đạt mức tỷ USD/ngày, điều này rất quan trọng. Nếu thanh khoản lên 2-3 tỷ USD/ngày thì nhà đầu tư nước ngoài lớn sẽ vào. Theo đó, cần cải thiện thanh khoản hơn, trong đó cần nhiều sản phẩm hơn, thêm các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hơn”, ông Don Lâm cho biết.

Việt Nam cần thêm hàng hóa thông qua thúc đẩy quá trình cổ phần hoá, tư nhân hoá; tạo khuôn khổ pháp lý cho các quỹ hưu trí độc lập – chìa khoá để chuyển dịch sang đầu tư dài hạn; khuyến khích chuyển đổi từ đầu tư đơn lẻ sang các quỹ quản lý chuyên nghiệp và có thể giảm thiểu biến động trong dài hạn.

Tiếp theo là khả năng thanh toán dễ dàng, nâng cao quản trị, quản lý ; tăng cường các quy định pháp luật về chứng khoán để đẩy mạnh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều này rất quan trọng trong việc giữ vững lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp chưa minh bạch nên chưa tạo được niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài.

Yếu tố nữa là tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Giới hạn sở hữu nước ngoài đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, thu hẹp số lượng cổ phiếu mà người nước ngoài có thể đầu tư vào, khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài phải trả các khoản phí đắt đỏ nếu muốn đầu tư thêm.

Ông Don Lâm lấy ví dụ, lĩnh vực ngân hàng, đại diện cho ngành lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường, bị giới hạn ở mức 30% vốn nước ngoài sở hữu. Khi tính thanh khoản thấp, các ngân hàng sẽ bị định giá thấp hơn so với tiềm năng và lợi nhuận của mình.

Vị này nhận định, nếu nâng hạng được thị trường lên mới nổi, có thể hút nguồn vốn mới hoàn toàn vào thị trường Việt Nam khoảng 10 tỷ USD, và như lời khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài là thị trường Việt Nam minh bạch và đang phát triển.

Đọc tiếp

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi thông báo đến các CTCK về kế hoạch triển khai chính thức KRX, dự kiến ngày 2/5 sẽ chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE