Nông nghiệp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận, tăng thêm nhiều giá trị

Trong bối cảnh năm 2023 ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, việc đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường là sẽ là nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng trước thực trạng tốc độ tăng trưởng của ngành đang có dấu hiệu chậm lại, quy mô, sản lượng nhiều ngành hàng dần chạm ngưỡng, ngành nông nghiệp sẽ cần phải tập trung tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới trong năm 2023.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/1 tại Hà Nội.

Chủ động sẵn sàng thích ứng

Theo thống kê, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế…

Bên cạnh kết quả xuất khẩu nông sản bứt phá trong gian khó năm 2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định năm 2023 ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, thế giới ngày càng khó đoán định hơn. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế, đặc biệt là ngành hàng gỗ cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro dao động đột biến giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ngành nông nghiệp sẽ chủ động sẵn sàng, chuẩn bị để thích ứng cho các điều kiện, tình huống khác nhau. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thay đổi cách tiếp cận, tăng thêm nhiều giá trị.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để hạn chế rủi ro thị trường xuất khẩu khi gặp tình huống bất thường, thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng cần được quan tâm đúng mức. Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cần được lan toả thường xuyên, liên tục, trở thành tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần quan tâm đầu tư các dòng sản phẩm chinh phục nhu cầu người tiêu dùng, tự tin khẳng định niềm tin về chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt.

vna-potal-thu-tuong-du-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-nam-2023-cua-bo-nn-va-ptnt-6541449-6330.jpg

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định với tiêu chí lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ, ngành nông nghiệp cam kết kiên trì mục tiêu thực hiện: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hợp quy chuẩn; 80% số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn...; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho hàng nông sản Việt Nam.

thutuong8-30.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem trưng bày sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2022, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo, trong đó khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, dịch chuyển xu hướng tiêu dùng... ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Quảng cáo

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị nên nền kinh tế vẫn vượt khó và đạt được nhiều kết quả quan, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp.

“Tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,36%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%. Đặc biệt nông nghiệp khẳng định là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân," Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tựu mà toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được trong năm qua; phân tích nguyên nhân, bài học của thành công, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế mà toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần khắc phục như việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản của Việt Nam chưa đạt kết quả mong muốn; một số cơ chế, chính sách chưa được bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ kịp thời; cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa phổ biến; năng suất lao động, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm vẫn còn khoảng cách chênh lệch giữa một số vùng...

Cơ cấu lại theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, đất nước và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song “núi cao cũng có đường trèo; đường có hiểm nghèo cũng có lối đi." Thủ tướng đề nghị toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu đạt mức tăng trưởng 3,5%, xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng của năm 2022...

Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025; thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm cho toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

“Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng," Thủ tướng nhấn mạnh.

thutuong1-2977.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem trưng bày sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt quan điểm phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm: thúc đẩy xây dựng thương hiệu; hoàn thiện các quy hoạch; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển văn hóa, du lịch; đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là sản xuất, xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, có hiệu quả.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia; có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Thủ tướng chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.

Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp...

Theo Vietnamplus Sao chép

Cùng chuyên mục Nông nghiệp

“Không lo thiếu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp”

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ không lo thiếu. Nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp tái cấp vốn hoặc có hình thức cụ thể để hỗ trợ nguồn lực.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kỷ lục mới, là gì vậy? Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “bơm” mạnh tiền vào hệ thống

Giá lúa mỳ tại Ấn Độ tăng cao kỷ lục do nhu cầu tăng mạnh

Các thương nhân Ấn Độ dự đoán giá lúa mỳ có thể còn tăng thêm vì lúa mỳ trong vụ mùa mới dự kiến sẽ không được đưa ra thị trường cho đến tháng 3 năm 2025.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của các nước khiến giá lúa, gạo tăng “thẳng đứng” Giá lúa gạo ở miền Tây tăng mạnh ngay sau Tết Nguyên Đán là “sốt ảo” hay nhu cầu thật?