Từ ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND từ +/-3% lên +/-5%.
Trao đổi với chúng tôi, ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối phân tích, Maybank Investment Bank đánh giá, việc cho trượt giá VND là bắt buộc, là một trong 3 công cụ NHNN sử dụng để giúp tỷ giá ổn định, giúp lãi suất bớt áp lực tăng nhanh…
NHNN vừa đưa ra quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá cũng như nâng giá bán ra USD. Ông có bình luận gì về động thái này? Đâu là các nguyên nhân chính cho việc này?
Thông tin NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%, một thay đổi mạnh so với kỳ vọng Maybank đánh giá, khả năng thị trường chung cũng ngạc nhiên. Như ban đầu, chúng tôi ước tính NHNN chỉ để trượt giá khoảng 1%, nhưng NHNN quyết định để biên độ dao động chênh 2%, tức đã tính trước những áp lực đồng USD tăng giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 11, 12 này.
Năm nay, đặc thù USD tăng giá mạnh, trong bối cảnh tất cả các đồng tiền lớn trên thế giới như Euro, Yên, Won, NDT mất giá mạnh. Nên về mặt nhu cầu đầu tư hay giữ tiền, đồng USD trở thành nơi trú ẩn an toàn. Chính nhu cầu nắm giữ USD tăng gây áp lực tỷ giá lên tất cả đồng tiền trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khi USD tăng giá, để giữ cho tỷ giá ổn định, cơ quan điều hành ở đây là NHNN có 3 công cụ. Một, sẽ dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp trực tiếp vào thị trường, đó là cách NHNN đã làm từ tháng 2 tới tháng 9, khi đã bán khoảng 21 tỷ USD, tương đương khoảng 20% dự trữ ngoại hối.
Thực tế, room để NHNN can thiệp vào tỷ giá qua việc bán USD vẫn còn nhưng không thể nào dựa mãi trên công cụ này. Bởi sau cuộc họp tháng 9 vừa qua của Fed, họ đưa ra quan điểm vẫn rất “diều hâu”, vẫn tăng lãi suất mạnh. Chính vì thế NHNN dùng công cụ thứ 2 là tăng lãi suất, và vừa qua đã tăng lãi suất điều hành thêm 1%.
Tuy nhiên áp lực tỷ giá vẫn cao vì việc kỳ vọng đồng USD mạnh lên. Vì thế NHNN cân đối kỹ, không thể tăng nhanh lãi suất, điều này ảnh hướng lớn tới doanh nghiệp. Nên phải dùng tới biện pháp một cách tự nhiên là cho tiền đồng trượt giá thêm.
Từ đầu năm tới trước khi điều chỉnh nêu trên, tiền đồng mất giá khoảng 4%, là một thành công so với đồng tiền các nước khác đã mất giá từ 10-20%. Việc để VND mất giá thêm 2% là một giải pháp xì hơi áp lực tỷ giá, trong giai đoạn hiện nay và 2 tháng tới khi mà Fed nâng lãi suất. Cách này giúp NHNN không phải bán ngoại tệ quá nhiều hay phải nâng lãi suất quá quyết liệt.
Như vậy, việc điều chỉnh này là bắt buộc, thưa ông?
Tôi cho rằng việc điều chỉnh này là bắt buộc. Vì thường tỷ giá bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cơ bản là sức khỏe nội tại nền kinh tế và lạm phát. Tuy nhiên trong bối cảnh năm nay, áp lực tỷ giá lại đến từ bên ngoài, từ việc cơ cấu, đến từ đồng USD mạnh lên, các đồng tiền khác mất giá, đồng USD thành nơi trú ẩn an toàn nên nhu cầu nắm giữ USD cao. Đây là áp lực bên ngoài gây lên với các đồng tiền trong có VND.
Chúng ta phải nương theo tình hình để cân đối, để đạt được những yếu tố ổn định vĩ mô bao gồm giữ tỷ giá không bị biến động quá mức như các nước trong khu vực, giữ được dự trữ ngoại hối không bị giảm đi quá nhanh, đồng thời lãi suất không bị tăng quá mạnh. NHNN phải kết hợp cả 3 công cụ, để đạt được mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Như vậy điều chỉnh vừa rồi của NHNN là phù hợp, hay có những giải pháp khác không, thưa ông?
NHNN thực ra có một số cách có thể làm. Nếu không thay đổi biên độ giao dịch thì có thể thay đổi tỷ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm có thể nâng lên, biên độ giao dịch vẫn để +/-3%. NHNN giữ nguyên tỷ giá trung tâm nhưng lại nâng biên độ dao động lên.
Cách này hay cách khác thì thực tế đã khiến tiền đồng mất giá đi 2%. Về mặt hình ảnh có thể hiểu chúng ta vẫn giữ được tỷ giá trung tâm, chưa phải phá giá. NHNN không đưa hình ảnh phá giá nên mới dùng biện pháp nâng biên độ giao dịch.
Nhận định của ông về khả năng điều chỉnh tiếp theo của tỷ giá VND/USD cũng như đường đi của lãi suất?
Tính đến nay NHNN đã cho trượt giá tiền đồng khoảng 6%. Tôi nghĩ từ nay tới cuối năm sẽ không cho trượt giá nữa. Thường đầu năm chúng ta đưa ra chính sách cho phép trượt tỷ giá không quá 3%, nên trong quý 1/2023 chúng ta có room mới để sử dụng. Tôi nghĩ NHNN sẽ dùng công cụ này để giảm thiểu tác động trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối, lãi suất can thiệp lên tỷ giá. Không chỉ dùng công cụ trượt tỷ giá, 2 công cụ kia cũng sẽ sử dụng.
NHNN vẫn đưa ra quan điểm sẵn sàng bán ngoại tệ can tiệp thị trường nếu cần thiết. NHNN đã “cân đo đong đếm”, can thiệp thị trường ngoại hối bằng bán ngoại tệ và lãi suất.
Theo Maybank đánh giá, sau đợt tăng lãi suất thêm 1% vừa rồi, cộng thêm việc tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ và cho trượt tỷ giá thì cũng đủ sức hấp thụ việc Fed tăng lãi suất trong tháng 11, 12. Theo đó áp lực tăng lãi suất sẽ dời sang quý 1/2023, có thể nâng 0,5%.
So với trượt tỷ giá, tác động của tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, tới đại bộ phận doanh nghiệp hơn so với việc cho trượt tỷ giá. Bởi vì tỷ giá trượt chỉ ảnh hưởng một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vay nhiều ngoại tệ, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu… Xét tổng tác động cho tiền đồng trượt giá một chút so với tăng lãi suất thì để trượt giá tốt hơn.
Tôi nhắc lại, hành động chúng ta cho trượt giá hơn kỳ vọng cộng với tăng lãi suất vừa rồi đã đủ hấp thụ đồng USD mạnh lên do kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong tháng 11,12. Tức là NHNN đã đi trước một bước để chống lại áp lực đó. Theo dự tính, sang tháng 6/2023 Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5%. Như vậy khả năng tới đó chúng ta mới có điều chỉnh tương tự.
Theo ông, cần những yếu tố, điều kiện gì để tỷ giá ổn định trở lại, hoặc có những điều chỉnh chính sách nào và vì sao?
Thực ra do áp lực đối với tỷ giá lần này đến từ yếu tố bên ngoài là đồng USD mạnh lên do kỳ vọng lãi suất tăng quá nhanh. Việc tăng lãi suất là do Fed muốn hạ nhiệt lạm phát của Mỹ. Vì vậy yếu tố đầu tiên để áp lực tỷ giá nhẹ đi chính là việc Mỹ kiểm soát được lạm phát, việc tăng lãi suất của Fed phát huy hiệu quả từ quý 1/2023.
Khi đó việc kỳ vọng Fed tăng lãi suất mạnh nữa sẽ giảm hẳn. Như vậy nhu cầu đầu tư, găm giữ USD hạ dần, áp lực tỷ giá từ bên ngoài đối với các đồng tiền trong đó có VND hạ nhiệt. Đó là điều kiện cần.
Điều kiện đủ là chúng ta vẫn phải duy trì được nội tại đủ mạnh, cụ thể là ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, nếu không giữ được sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Ông có khuyến nghị gì với nhà đầu tư trong ứng xử với biến động tỷ giá hiện nay và tới đây?
Thực tế, thị trường chứng khoán trong khoảng 6 tháng tới, trước những biến động về chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, bao gồm NHNN lúc này chưa bơm tiền mạnh, lãi suất còn xu hướng tăng thì thị trường còn ở trong giai đoạn mang tính chờ đợi. Nhà đầu tư sẽ chưa quyết liệt giải ngân, còn chờ những biến động chính sách qua đi mới dám xuống tiền.
Chính vì vậy khoảng 4-5 tháng qua, thanh khoản thị trường giảm dần, từ mức 1,2-1,5 tỷ USD/phiên xuống 800 triệu USD và gần đây là 400-500 triệu USD/phiên. Với tâm lý chờ đợi, thanh khoản lình xình quanh mức hiện nay cũng là mức tốt và hợp lý.
Tôi cho rằng, khi áp lực tỷ giá hạ, NHNN sẵn sàng bơm tiền ra hơn, hiện nếu bơm sẽ càng gây áp lực lên tỷ giá. Khi tiền được bơm nhiều hơn, lãi suất bớt căng thẳng mới là lúc thị trường có thể có cơ sở để hồi sinh.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá mang lại tác động tích cực lên một số nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, hóa chất…
Với bất động sản khu công nghiệp, giá cho thuê thường được niêm yết bằng USD và được ghi nhận trực tiếp vào doanh thu, dù không phát sinh lãi/lỗ tỷ giá. Với thủy sản, hơn 70% tổng doanh thu là từ thị trường mỹ. Còn với hóa chất, xuất khẩu gia tăng nhờ tình trạng thiếu hóa chất toàn cầu giúp ngành này được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá hối đoái…
Xin cảm ơn ông.