Định vị thị trường
Chứng khoán Nhật Bản đang là tâm điểm của toàn thế giới với việc đạt kỷ lục cao nhất mọi thời đại ở phiên hôm nay. Chỉ số NIKKEI 225 tiếp tục tăng tiếp 0,77% đạt 30.808 điểm, qua đó đã tăng hơn 18% từ đầu năm 2023.
Chứng khoán Nhật Bản đã phá kỷ lục.
Các thị trường Đài Loan và Hàn Quốc cũng đều ghi nhận phiên tăng điểm tốt, qua đó cải thiện thành tích thêm, tăng 14,4% và 13,5% từ đầu năm. Trong khi đó, VN-Index vẫn giao dịch quanh khu vực 1.060-1.070 điểm, giữ thành tích tăng điểm là 6% kể từ đầu năm. Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng dài hạn trên HOSE lúc này đang là 46%, cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Chất xúc tác
Sau phiên đáo hạn phái sinh tháng 5/2023, thị trường có thể sẽ cần sự xác nhận về mặt xu hướng. Ít nhất đã có 4 phiên VN-Index vận động trong biên độ hẹp nhưng dòng tiền vẫn duy trì ổn định trên mức bình quân 20 phiên. Theo thống kê, 7 phiên gần nhất, khối lượng khớp lệnh của HOSE đều đạt trên mức này và phiên hôm nay cũng có kết quả tương tự.
Khối ngoại cũng có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ đi giao dịch mua thỏa thuận của STG đạt 1.308 tỷ đồng thì thực tế, nhà đầu tư ngoại lại bán ròng trở lại. Vì vậy, vẫn chưa có tín hiệu đáng tin cậy về sự trở lại của tiền ngoại.
Và do vậy, việc thanh khoản vẫn duy trì là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của tiền nội. Theo thống kê, kết phiên, có 3 mã đạt quy mô giao dịch trên 500 tỷ đồng là VND (+3,87%), STB (+2,39%), DIG (+5,94%) trong đó VND có một phiên đạt kỷ lục về khối lượng khớp lệnh với hơn 72 triệu đơn vị.
Một thông tin đáng chú liên quan đến nhóm Dầu khí là Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) - Nhà điều hành dự án khí Lô B vừa ký kết hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án (PMSS) với các nhà cung cấp dịch vụ (Liên danh PSL Orion, Công ty CP Dịch vụ Logistics Dầu khí Việt Nam, Liên danh PV CHEM - Amoria Bond, Xí nghiệp Dịch vụ Đầu tư Khoan Dầu khí - thuộc Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí).
Tổng giá trị của các hợp đồng khung là trên 50 triệu USD cho toàn đời dự án (khi đi vào hoạt động).
Vận động nhóm ngành
Vận động của VND là rất đáng chú ý nhưng xét trên tương quan nhóm ngành không nhiều cổ phiếu Chứng khoán hôm nay thực sự có biên độ tăng giá tích cực. Phần lớn các mã như SSI (+0,4%), HCM (+0,4%), FTS (+0,4%), BSI (-0,9%) chỉ dao động trong biên độ hẹp dù ở phiên hôm qua đã có tín hiệu được cởi trói tâm lý.
Vì vậy, trạng thái đột biến VND có liên quan tới một số thông tin khả quan liên quan đến các khoản trái phiếu tại Trung Nam. Dù vậy, sẽ cần thêm thời gian để có sự xác thực từ cả 2 doanh nghiệp.
Với thị trường chung, nền tảng vẫn được duy trì bất chấp có những động thái "trả điểm" từ VHM (-1,6%), VIC (-1,3%), VCB (-0,8%) khiến VN-Index bị nhúng xuống 1.060 điểm trong phiên chiều.
Các mã GVR (+2,5%), STB (+2,4%), GAS (+2%) đã có những nỗ lực tăng giá kịp thời để thu hẹp đà giảm của chỉ số.
Tỷ lệ các mã tăng khi khép phiên đạt gần 40% trong đó các mã Năng lượng, Dầu khí, Khu Công nghiệp có khá nhiều cổ phiếu góp mặt như NT2 (+2,8%), VSH (+1,7%), REE (+1,2%), PVD (+4,7%), PSH (+1,7%), PVT (+1,5%), KBC (+2,1%), D2D (+2,1%), LHG (+1,9%).
Sắc đỏ dù có phần nhỉnh hơn nhưng thực tế biên độ của các cổ phiếu đều chỉ dưới 1%, cho thấy hoạt động chốt lời đã không còn tạo ra các áp lực lớn như các phiên đầu tuần.
VN-Index chốt phiên giảm 1,24 điểm xuống 1.067,07 điểm (-0,12%). Tổng khối lượng đạt 755,49 triệu đơn vị, tương đương 13.361 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index tăng 0,42% và 0,21%. Nhóm cổ phiếu Dầu khí ghi nhận PVS (+6,4%) và BSR (+2,5%) hút tiền mạnh nhất trên cả 2 sàn. Tổng giá trị giao dịch của 2 mã đạt hơn 600 tỷ đồng, chiếm gần 26% giá trị giao dịch của 2 sàn.