Định vị thị trường
Câu chuyện về gói kích thích kinh tế tại Trung Quốc đã được khơi lại giúp thị trường chứng khoán nước này giao dịch đầy hưng phấn. CSI 300 (+2,89%), SHCMP (+2,13%) còn Hang Seng tăng tới 4,33%.
Sắc xanh nhờ đó đã quay lại hàng loạt thị trường châu Á bao gồm cả VN-Index. Thành tích của VN-Index vượt xa so với thị trường chứng khoán Trung Quốc khi đã tăng 18,75%. Đồng thời, thị trường Việt Nam cũng đã vượt qua Hàn Quốc khi KOSPI đạt được 17,89%. Số lượng các mã có xu hướng tăng dài hạn trên HOSE đạt 81%.
Chất xúc tác
Tiền nội tiếp tục duy trì được sức mạnh thể hiện qua tổng giá trị giao dịch của HOSE có phiên thứ 3 liên tiếp đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Quan sát này dựa trên việc khối ngoại đã thu hẹp đáng kể hoạt động mua ròng trong một vài phiên gần đây.
Lũy kế hoạt động của khối ngoại trên 3 sàn.Phiên hôm qua, HOSE đã bị bán ròng hơn 330 tỷ đồng còn ở phiên hôm nay, họ quay lại mua ròng chỉ 9,28 tỷ đồng. Ở cả 2 chiều, khối ngoại mua/bán hơn 1.600 tỷ đồng. Đồng nghĩa, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm gần 8% giá trị giao dịch của toàn sàn.
Vận động nhóm ngành
Câu chuyện "đặt cược" vào nhóm nhà thầu trúng thầu sân bay Long Thành đã dậy sóng với một loạt cổ phiếu Xây dựng và Đầu tư công phiên hôm qua. Hiệu ứng này vẫn chưa hoàn toàn nguội đi khi VCG (+1%), PHC (+7%) vẫn còn đà tăng khá tốt.
Tuy nhiên, dấu ấn của nhóm Ngân hàng mới là đáng kể nhất tới thị trường chung. Nếu không có Ngân hàng quay lại tăng giá, VN-Index gần như rất khó có thành tích tăng điểm ở phiên hôm nay.
VCB (+3,5%) trong ngày chốt quyền trả cổ tức ngay lập tức có những nỗ lực tăng giá để giữ sức mua cho nhà đầu tư. Chốt phiên, VCB đóng cửa tại 91.700 đồng/cổ phiếu, đạt giá trị giao dịch 218 tỷ đồng.
VCB cũng giúp khuấy động các cổ phiếu Ngân hàng khác như OCB (+3,5%), TCB (+3,2%), TPB (+1,9%), ACB (+1,1%), EIB (+1%) trong đó OCB và TCB là những mã đã tích lũy trong một giai đoạn đầy "khó chịu" kể từ tháng 6 cho tới nay.
Dù vậy, sẽ cần phải quan sát thêm chuyển động của các nhóm ngành khác bởi hiệu ứng từ Ngân hàng đã không được đón nhận và lan tỏa mạnh. HOSE vẫn có tới hơn 250 mã giảm, chiếm hơn 47% số mã trên sàn.
Các nhóm cổ phiếu Năng lượng, Khu Công nghiệp, Bất động sản, Chứng khoán đều rơi vào trạng thái phân hóa với nhiều cổ phiếu giảm như HAG (-1,37%), NKG (-0,93%), VND (-0,79%), HCM (-0,66%), KBC (-1,23%)…
Chốt phiên, VN-Index tăng 5,18 điểm lên 1.195,9 điểm (+0,44%). Thanh khoản toàn sàn đạt 20.149 tỷ đồng, tương đương 1.000,32 triệu đơn vị.
2 sàn còn lại đã phản ánh sự phân hóa rõ hơn khi biên độ hẹp và xuất hiện sự trái chiều về điểm số. HNX-Index tăng 0,17% còn UPCoM-Index giảm 0,12%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.