Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) nhiều khả năng sẽ phải chi trả ước tính khoảng 23 tỷ USD cho các vụ sụp đổ ngân hàng thời gian qua.
FDIC hiện đang cân nhắc yêu cầu những ngân hàng lớn nhất của nước này chia sẻ gánh nặng tài chính đó, theo những nguồn thạo tin được Bloomberg trích đăng.
FDIC cho biết họ có kế hoạch đề xuất về một chương trình đánh giá đặc biệt với ngành dự kiến được triển khai trong tháng 5/2023 nhằm củng cố cho quỹ bảo hiểm tiền gửi quy mô 128 tỷ USD đã chịu nhiều thiệt hại sau vụ sụp đổ gần đây của ngân hàng Silicon Valley Bank và ngân hàng Singature.
Cơ quan quản lý Mỹ, dưới áp lực chính trị từ việc cứu các ngân hàng nhỏ, đã nhấn mạnh rằng sẽ có sự chia sẻ khoản chi phí cứu các ngân hàng với các bên khác.
Phía sau hậu trường, các quan chức đang cố gắng hạn chế áp lực lên các ngân hàng cho vay cộng đồng bằng việc yêu cầu các tổ chức lớn chịu một phần chi phí, theo những nguồn thạo tin. Như vậy nhóm các ngân hàng lớn bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America hay Wells Fargo phải chịu gánh nặng thêm đến hàng tỷ USD.
Chỉ số KBW Regional Banking Index của 50 ngân hàng cho vay đảo chiều và tăng 0,6% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư trên thị trường New York sau khi Bloomberg đưa tin về kế hoạch của FDIC. Cổ phiếu của nhóm các ngân hàng lớn mất phần nào đà tăng, tuy nhiên sau đó hồi phục trong bối cảnh thị trường tăng điểm.
Các cuộc đối thoại liên quan đến quy mô và thời điểm của việc đánh giá các ngân hàng mới ở giai đoạn đầu. Việc phụ thuộc nhiều vào các ngân hàng lớn hiện đang được coi như giải pháp dễ chấp nhận nhất về mặt chính trị.
Đại diện của FDIC, JP Morgan, Bank of America và Wells Fargo từ chối bình luận về vụ việc.
Vấn đề chia sẻ thiệt hại tài chính liên quan đến vụ việc của SVB và Signature như thế nào hiện đang được tranh luận gay gắt tại Washington khi mà các nhà hoạch định chính sách gây sức ép lên chủ tịch FDIC Martin Gruenberg, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và chủ tịch Fed Jerome Powell để công bố việc ngân hàng nào sẽ chia sẻ gánh nặng tài chính cùng cơ quan quản lý, đặc biệt sau khi cơ quan này tuyên bố về quyết định bất thường liên quan đến việc đảm bảo toàn bộ tiền gửi của mọi đối tượng.
Các biện pháp bất thường mà phía nhà quản lý áp dụng đã cứu cho rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và khách hàng giàu có vốn có số dư tiết kiệm cao hơn rất nhiều so với ngưỡng trần 250.000USD trung bình.
Việc chia sẻ gánh nặng tài chính với cơ quan quản lý trong các vụ việc giải cứu ngân hàng từng diễn ra trong quá khứ. Năm 2009, khi mà FDIC đưa vào kênh hỗ trợ khẩn cấp 5,5 tỷ USD, JP Morgan công bố họ phải chi ra 675 triệu USD từ lợi nhuận quý 2/2009 để hỗ trợ cho việc này.
Tuy nhiên, tác động từ vụ việc SVB và Signature có thể vượt quá con số trên. FDIC ước tính rằng vụ việc của SVB sẽ có thể tiêu tốn đến 20 tỷ USD từ con số 2,5 tỷ USD của Signature. Hiện chưa rõ FDIC sẽ thu khoản tài chính này dựa trên phân bổ như thế nào.
Gần đây, một số ngân hàng lớn của Mỹ đương đầu với áp lực phải hỗ trợ cho bảng cân đối kế toán của một ngân hàng cho vay khác ví như vụ việc First Republic Bank gần đây. Giờ đây, cơ quan quản lý đang cho các ngân hàng thêm thời gian để đạt được thỏa thuận cần thiết.