Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cuối tuần qua đang tỏa kỳ vọng trên thị trường. Nó như "vốn mồi" từng có giá trị kích hoạt, như gói 30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản giai đoạn trước đây.
Định vị thị trường
Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vẫn còn nên trong tuần qua các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã giảm nhẹ. S&P 500 trong tuần vừa qua đã giảm khoảng 0,3%. Trong khi đó, hàng loạt thị trường chứng khoán châu Á cũng ghi nhận tuần giảm điểm như SHCOMP (-1,12%), SET (-0,77%), STI (-0,96%), KOSPI (-0,75%).
VN-Index nằm trong số ít các thị trường tăng điểm khi đã hồi phục 0,38%. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyển động cắt chuỗi 2 tuần giảm trước đó còn thực tế trạng thái mất xu hướng tăng ngắn hạn kèm thanh khoản yếu vẫn còn nguyên đó.
Hầu hết các CTCK trong nước đều đưa ra quan điểm thận trọng, kịch bản giằng co vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo khi thông tin nhiều chiều khó dự báo chưa thể hút dòng tiền trở lại.
Chất xúc tác
Cũng trong tuần vừa qua, nhà đầu tư ngoại đã có tuần bán ròng thứ 2 kể từ đầu năm. Mức bán ròng chưa đủ lớn để phản ánh sự đảo chiều trong hành động của các quỹ, tuy nhiên thị trường cũng thiếu đi lực đỡ quan trọng.
Nhà đầu tư trong nước sẽ cần phải chủ động trong giao dịch và sử dụng nội lực để giúp cho thị trường lấy lại những tín hiệu tích cực cho chỉ số.
Theo ghi nhận, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 30,18 nghìn tỷ đồng qua OMO, qua đó có 2 tuần rút tiền liên tiếp. Thanh khoản và lãi suất giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm giảm trong tuần 07/2023.
Dù vậy, nhà điều hành cũng đã bơm ròng qua kênh ngoại hối nên tác động của hoạt động OMO không phản ánh xấu vào tỷ giá lẫn lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng bình quân qua đêm có thời điểm đã giảm về 4,08%.
Vận động nhóm ngành
Thông tin đáng chú ý nhất tại cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng với các doanh nghiệp Bất động sản ngày 17/2 là gói hỗ tín dụng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước lên tới 120.000 tỷ đồng. Dù cho các điều khoản cụ thể vẫn sẽ cần được công bố nhưng tác động đã được ghi nhận ở các cổ phiếu Bất động sản trong phiên sáng đầu tuần.
Ở nhóm trụ, VHM (+3,9%) và VIC (+1,09%) đều đã ghi nhận mức tăng tương đối tốt. Cùng với đó, NVL (+6,4%), PDR (+5,5%) cũng đang hồi phục mạnh và đang vươn lên trở thành 2 mã tăng tốt nhất trong rổ VN30.
Các mã cùng ngành như DIG (+5,99%), TCH (+6,9%), SCR (+6,9%), DXG (+5,83%), TDC (+6,7%), LDG (+7%) cũng không đứng ngoài xu hướng hồi phục chung.
Hiệu ứng thông tin hiện còn đang giúp cho cả những nhóm ngành như Thép, Chứng khoán phản ứng tốt với HPG (+3,1%), HSG (+2,58%), NKG (+2,63%), HCM (+4,96%), VND (+4,5%).
Kể cả Ngân hàng cũng đang tham gia ủng hộ tâm lý của thị trường khi cả BID (+2,6%), CTG (+1,7%), ACB (+2,2%), VCB (+0,6%), STB (+2,5%) đồng loạt đón sắc xanh.
VN-Index đang tăng tốt nhất châu Á trong phiên sáng 20/2.VN-Index đang ghi nhận mức tăng 15,02 điểm lên 1.074,33 điểm (+1,42%). Thanh khoản sau một tuần yếu kém đã có sự trở lại khi cả phiên sáng HOSE đã giao dịch được 5.113 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng thời điểm ngày thứ Sáu tuần trước. Đây cũng là con số vượt mức bình quân 1 tháng.
Chỉ số HNX-Index hiện cũng đang đồng hành với mức tăng 1,84% lên 218,82 điểm trong khi đó UPCoM-Index đang bị VNZ (-14,2%) bóp méo với phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp. Thị giá của VNZ dù đã điều chỉnh mạnh nhưng vẫn đang ở trên mốc 1.000.000 đồng/cổ phiếu, đạt 1.046.400 đồng/cổ phiếu.