Ông Nuno Matos, Giám đốc điều hành phụ trách ngân hàng cá nhân và tài sản của HSBC, cho rằng các nhà đầu tư trên toàn cầu đang bán ra những tài sản mà họ cho là rủi ro và tăng cường mua các tài sản an toàn hơn cho danh mục đầu tư của họ. Theo ông, nhiều nhà đầu tư đang tìm đến trái phiếu khi điều mà họ mong muốn là sự ổn định.
Lạm phát đang gây sức ép lớn đến người tiêu dùng trên toàn cầu khi khiến chi phí sinh hoạt tăng, đồng thời ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Các nền kinh tế đang đình trệ và những lo ngại về suy thoái gia tăng.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm hơn 20% kể từ đầu năm nay.
Lạm phát tại Liên minh châu Âu ở mức 9,1%, trong khi tại Mỹ là 8,3%. Tại Anh, lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục 40 năm, trước khi giảm nhẹ xuống 9,9% trong tháng trước. Các nước châu Á cũng đang chứng kiến giá cả tăng.
Theo Ngân hàng Thế giới, lạm phát cao khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất mạnh chưa từng có trong hơn 5 thập kỷ qua.
Ông Matos đã nói về cách mà ngân hàng lớn nhất châu Âu khuyên các khách hàng, trong đó có cả các nhà đầu tư lẻ và các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao, có thể bảo vệ tài sản.
Theo ông Matos, với các nhà đầu tư mới, đa dạng hóa các khoản đầu tư không chỉ là điều nên mà là bắt buộc.
Ông Matos cũng khuyên các nhà đầu tư nên lựa chọn các cổ phiếu giá trị hơn là các cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là ưu tiên các công ty lớn với giá trị thị trường ổn định và trả cổ tức cao cho các cổ đông hơn là các công ty tăng trưởng nhanh.
Ngay cả khi nhiều người bán tài sản, ông Matos cho là cần lưu ý đến tác động tiêu cực khi giữ tiền mặt trong giai đoạn lạm phát cao.
Theo ông Matos, đồng USD là lựa chọn rất tốt ngay vào thời điểm này, một phần do nền kinh tế Mỹ có khả năng trụ vững trong giai đoạn khó khăn tốt hơn so với kinh tế châu Âu.
Đồng USD đã tăng vọt lên gần mức cao kỷ lục 20 năm, trong khi nhiều đồng tiền khác lao dốc.