Để ổn định hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố quyết định kiểm soát đặc biệt SCB.
Việc NHNN kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành ngân hàng.
Đồng thời, NHNN cho biết, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.
Được biết, SCB được thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hang bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng SCB hợp nhất chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2012.
Đây được xem như một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của cả ba ngân hàng, đánh dấu sự thay đổi toàn diện về quy mô tổng tài sản, mạng lưới, công nghệ và nhân sự…
Cập nhật mới nhất, đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của SCB đạt mức gần 761,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với thời điểm đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,1%, đạt gần 389,8 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng lên mức 594,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 16,1%
Số dư nợ xấu sau 6 tháng của ngân hàng giảm 4% còn hơn 3.800 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,1% cuối năm trước về 0,98%. Ngân hàng hiện có hơn 58.678 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC trong đó đã trích lập dự phòng được 14.798 tỷ đồng.
SCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 718 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.