Theo báo cáo mới đây của VNDIRECT cho biết, việc lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm tổng cộng 1% trong năm nay và thêm 1% nữa trong năm 2025 được kỳ vọng hỗ trợ tăng trưởng chi tiêu cho công nghệ thông tin (CNTT) tại Mỹ, qua đó giúp thúc đẩy doanh thu của FPT tại thị trường này.
Theo đó, trong nửa đầu 2024, thị trường Mỹ đứng thứ ba trong doanh thu dịch vụ CNTT toàn cầu, đạt mức tăng 14,8% so với cùng kỳ từ mức nền thấp năm 2023. Việc Mỹ mất vị trí thứ hai trong năm 2023 vào khu vực APAC chủ yếu là do tiêu thụ CNTT ở thị trường này giảm trong bối cảnh lãi suất cao.
Theo Mordor Intelligence, thị trường dịch vụ CNTT tại Mỹ dự kiến sẽ đạt 461 tỷ USD trong năm 2024 và tăng lên 630,8 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép 6,47% trong giai đoạn 2024-29.
Với việc tăng cường sự hiện diện của FPT trên thị trường này thông qua các giao dịch M&A, cùng với chất lượng dịch vụ cao và giá cả cạnh tranh, VNDIRECT kỳ vọng rằng trong năm 2024, thị trường Hoa Kỳ sẽ có mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ.
Đồng thời, việc cắt giảm lãi suất tại Mỹ và EU cũng giúp hỗ trợ chính sách tiền tệ của các quốc gia khác, bao gồm cả các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (một trong số những thị trường chủ yếu của FPT), qua đó kích thích các hoạt động kinh tế.
Theo Forrester, chi tiêu cho công nghệ tại khu vực này dự kiến sẽ tăng 6,4%, đạt 710 tỷ USD trong năm 2024. Các động lực chính của sự tăng trưởng này bao gồm đầu tư vào dịch vụ điện toán đám mây và dữ liệu. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nền kinh tế Đông Nam Á, giúp thúc đẩy xu hướng tăng này.
Theo ban lãnh đạo FPT, tại cuộc họp với các nhà phân tích, Singapore là động lực tăng trưởng chính của FPT tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Công ty đã ký được hợp đồng trị giá hơn 100 triệu USD cung cấp dịch vụ chuyển đổi số trong hai đến ba năm tới cho một khách hàng trong lĩnh vực hàng không.
Hơn nữa, FPT cũng đã mở rộng thành công sự hiện diện của mình tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Do đó, trong năm 2024, VNDIRECT ước tính thị trường Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 33% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tại thị trường Nhật Bản, kể từ tháng 7/2024, đồng Yên đã tăng giá 12% trong bối cảnh BoJ có ý định tăng lãi suất để giảm bớt sự suy giảm của đồng Yên so với USD.
Trong nửa đầu năm 2024, Nhật Bản đứng đầu về doanh thu dịch vụ CNTT toàn cầu của FPT, đóng góp 20% vào tổng doanh thu của FPT. Do đó, sự tăng giá của đồng Yên được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận và lợi nhuận ròng của công ty.
Trong quý 2/2024, FPT nắm giữ các khoản vay với tri giá 8,3 tỷ Yên, tương đối nhỏ so với doanh thu bằng đồng Yên là 35,9 tỷ Yên. Hầu hết các khoản vay này là ngắn hạn và sẽ được gia hạn dần. Nhìn chung, FPT ít chịu rủi ro từ sự biến động của đồng Yên do mỗi 1% tăng giá của đồng tiền này, FPT sẽ ghi nhận tăng 2% lợi nhuận ròng từ dịch vụ CNTT ở Nhật Bản, từ đó góp phần làm tăng 0,05% lợi nhuận ròng của công ty.