Các “đại gia” ngân hàng của Mỹ đã công bố kế hoạch tăng cổ tức trong quý III/2024 vào ngày 28/6, sau khi chứng minh được rằng họ có đủ vốn để chịu đựng những biến động kinh tế và thị trường khắc nghiệt trong bài kiểm tra “sức khỏe” hàng năm của Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Theo hồ sơ nộp lên chính quyền liên bang, JPMorgan Chase, ngân hàng cho vay lớn nhất của Mỹ, đã tăng cổ tức lên 1,25 USD/cổ phiếu, từ mức 1,15 USD/cổ phiếu. Hội đồng quản trị của ngân hàng cũng đã phê duyệt việc mua lại cổ phiếu trị giá 30 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 1/7.
Cổ tức của Bank of America cũng được thông báo sẽ tăng từ 24 xu Mỹ lên 26 xu/cổ phiếu và cổ tức của Citigroup sẽ tăng từ 53 xu lên 56 xu/cổ phiếu. Trong khi đó, Morgan Stanley tăng cổ tức từ 85 xu lên 92,5 xu/cổ phiếu. Còn Goldman Sachs sẽ tăng cổ tức lên 3 USD/cổ phiếu, so với mức tương ứng 2,75 USD/cổ phiếu trước đó.
Sau khi các kế hoạch tăng cổ tức trên được công bố, ông Brian Mulberry, Giám đốc danh mục đầu tư của khách hàng tại Zacks Investment Management, cho biết: "Các ngân hàng sẽ vẫn duy trì mức vốn thận trọng vì sự không chắc chắn về tiêu chuẩn Basel vẫn còn".
Các ngân hàng cho rằng các yêu cầu vốn cao hơn theo các dự thảo quy tắc được gọi là Basel III có thể cản trở khả năng cho vay của họ và có thể gây bất lợi cho nền kinh tế.
Trước đó, ngày 2/6, bài đánh giá hàng năm của Fed cho thấy các ngân hàng lớn nhất của nước này sẽ có đủ vốn để chịu đựng những biến động kinh tế thị trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, các công ty phải đối mặt với khoản lỗ giả định lớn hơn trong năm nay, do danh mục đầu tư rủi ro hơn. Cụ thể, bài đánh giá cho thấy 31 ngân hàng lớn của Mỹ sẽ vượt qua được sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, biến động mạnh của thị trường và sự sụt giảm trong thị trường thế chấp nhà ở và thương mại, đồng thời vẫn duy trì đủ vốn để tiếp tục cho vay. Cụ thể, Fed nhận thấy mức vốn chất lượng cao tại các ngân hàng sẽ giảm xuống thấp nhất là 9,9%, vẫn gấp hơn hai lần mức tối thiểu theo quy định.
Kết quả hoạt động của một ngân hàng trong các bài kiểm tra sẽ quyết định quy mô của bộ đệm vốn rủi ro (SCB) - một khoản đệm vốn bổ sung mà Fed yêu cầu các ngân hàng nắm giữ để vượt qua suy thoái kinh tế giả định.
Fed trước đó cảnh báo tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay bất động sản thương mại và tiêu dùng đang gia tăng vượt các mức trước đại dịch COVID-19.
Lĩnh vực bất động sản thương mại (CRE), bao gồm văn phòng, đã gặp khó khăn kể từ đại dịch, khi hình thức làm việc từ xa được áp dụng rộng rãi. Lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng lãi suất và duy trì ở mức cao nhất trong 23 năm của Fed, làm tăng chi phí vay cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Mặc dù tỷ lệ lấp đầy văn phòng đã phục hồi phần nào, nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Theo Fed, đây là vấn đề đau đầu với các ngân hàng đang giữ các khoản vay CRE với tỷ lệ nợ quá hạn ở mức cao nhất 5 năm qua là 0,9.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các rủi ro đối với các công ty cho vay thế chấp phi ngân hàng có thể khuếch đại những cú sốc trên thị trường vay thế chấp và làm suy yếu sự ổn định tài chính.
Các công ty tài chính phi ngân hàng không có giấy phép ngân hàng hoàn chỉnh, nhưng vẫn có thể cung cấp nhiều dịch vụ ngân hàng khác nhau.
Theo bà Yellen, người đứng đầu Hội đồng giám sát ổn định tài chính (FSOC), các công ty tài chính phi ngân hàng cung cấp phần lớn những khoản cho vay thế chấp nhà ở tại Mỹ, với tỷ trọng gia tăng trong những năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro từ lĩnh vực này đang tăng lên đáng kể.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, mô hình kinh doanh của các công ty này khiến họ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước những biến động trên thị trường nhà ở, như những thay đổi trong giá nhà và lãi suất.
Trong khi đó, theo công ty dịch vụ tài chính Johnson Associates, tiền thưởng tại các công ty niêm yết trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Mỹ sẽ phục hồi trong năm nay, nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và sự phục hồi của lĩnh vực ngân hàng đầu tư.
Các nhân viên mảng ngân hàng đầu tư hỗ trợ các công ty phát hành trái phiếu được dự báo sẽ nhận được mức tăng thưởng cao nhất trong năm nay, từ 15-25%, khi các doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu với khối lượng kỷ lục.
Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng trở lại của hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tiền thưởng cho các chuyên viên bảo lãnh phát hành chứng khoán dự kiến tăng từ 10-20% trong năm nay.
Ông Alan Johnson, người sáng lập Johnson Associates, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy hầu hết các lĩnh vực trên Phố Wall đều đang tăng lương thưởng. Đây sẽ là một năm khởi sắc, dù vẫn có những rủi ro từ cuộc bầu cử ở Mỹ và các cuộc xung đột toàn cầu."
Tuy nhiên, dù đang cải thiện, nhưng mức thưởng trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư vẫn còn xa mức đỉnh ghi nhận năm 2021. Ông Johnson cho biết, mảng duy nhất có mức lương vượt qua năm 2021 là mảng đầu tư vào các công ty tư nhân, nhưng lực lượng lao động tại các công ty này nhỏ hơn nhiều so với các ngân hàng.
Khối lượng giao dịch cao hơn được dự đoán sẽ giúp tiền thưởng cho các nhà giao dịch trái phiếu tăng từ 10-20%, trong khi mức tăng dành cho các nhà giao dịch chứng khoán là từ 5-15%. Cấp quản lý của mảng quản lý tài sản có thể sẽ nhận được mức lương thưởng cao hơn từ 5-10%, trong khi nhân viên quản lý tài sản và quỹ đầu cơ được dự đoán sẽ được tăng thưởng thêm 5%.
Trong lĩnh vực quản lý tài sản, mặc dù khách hàng đang có xu hướng chuyển từ các sản phẩm phí cao sang các sản phẩm đầu tư thụ động với phí thấp hơn, nhưng đà tăng của cổ phiếu trong năm 2024 đã làm gia tăng khối lượng tài sản và lợi nhuận trong lĩnh vực này.