Trong cấu trúc Chiến tranh Lạnh mới gần đây, thế giới đang kết cấu xoay quanh hai trục Mỹ-Trung Quốc và Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) đang nổi lên như một “cửa sổ cơ hội” để hỗ trợ và dẫn dắt các mục tiêu ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc.
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gay gắt và mỗi quốc gia đều đang cảnh giác phân biệt đối thủ của mình. Tuy nhiên, tại hầu hết các quốc gia này, việc đón nhận Làn sóng Hàn Quốc lại rất cởi mở. Đặc biệt, tại 3 cường quốc Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, sự quan tâm đến Làn sóng Hàn Quốc đang tăng lên nhanh chóng.
Tờ báo JoongAng Ilbo và Trung tâm châu Á thuộc Đại học Quốc gia Seoul đã phân tích 5,5 triệu bài báo tiếng Anh do 824 cơ quan truyền thông ở bốn quốc gia gồm Hàn-Mỹ-Nhật-Trung đăng tải trong ba năm qua. Kết quả là có tổng cộng 20.319 lượt bài báo đề cập đến Hallyu.
Nếu so sánh với 10 vấn đề được lựa chọn thông qua phân tích dữ liệu lớn, ví dụ các vấn đề toàn cầu như đại dịch COVID-19 (214.165 lượt) và biến đổi khí hậu (52.242 lượt), thì lượng bài viết đề cập đến Hallyu là không lớn. Tuy nhiên, dựa trên sự thay đổi về số lượng bài viết đề cập trong ba năm qua, có thể thấy sự tăng tốc về mức độ quan tâm đối với Hallyu sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong tương lai.
Phân tích dữ liệu cho thấy Hallyu đang được chú ý như một “hiện tượng tương lai” ở cả ba quốc gia: Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Hậu đại dịch COVID-19, mối quan tâm về căn bệnh truyền nhiễm đang giảm đi đáng kể, đồng thời vấn đề biến đổi khí hậu cũng không còn thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng. Trong bối cảnh đó, mối quan tâm với Hallyu đang gia tăng ở cả Mỹ và Trung Quốc cho dù ở Trung Quốc Hallyu vẫn đang vấp phải hạn chế từ chính phủ.
Tuy nhiên, người ta thấy rằng “sự tăng tốc” của Làn sóng Hàn Quốc lại không cao ở Hàn Quốc. Sự gia tăng của Làn sóng Hàn Quốc tại Hàn Quốc được tính ở mức +27,7 điểm, thấp hơn so với ở Mỹ (+350 điểm) và Nhật Bản (+63,3 điểm), cũng như Trung Quốc (+107,8 điểm).
Hallyu đã trở thành một vấn đề và xu hướng toàn cầu quan trọng, nhưng ở Hàn Quốc, sức mạnh mềm của Hallyu lại chưa thu hút được sự chú ý và thiếu sự chuẩn bị để tận dụng làn sóng này.
Giám đốc điều hành Arspraxia Kim Do-hoon, người phụ trách phân tích dữ liệu lớn, cho biết: “Trong cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, Hallyu đã trở thành một xu hướng vượt ra ngoài một hiện tượng văn hóa và thực sự thu hút sự quan tâm. Tuy nhiên, nhìn vào chỉ số tăng tốc nội địa của Làn sóng Hàn Quốc ở mức thấp có thể thấy đã đến lúc các khu vực công và tư cần có đánh giá nghiêm túc để có biện pháp tận dụng tốt hơn ảnh hưởng của Hallyu”.
Sức mạnh của Hallyu nằm ở sự bao trùm và cởi mở không phân biệt đối thủ. Không giống như chuỗi cung ứng, một khái niệm an ninh hướng đến cạnh tranh, “chuỗi văn hóa” mà Hallyu đại diện có thể là chất xúc tác cho tình hữu nghị và hợp tác.
Theo báo cáo “Xu hướng Hallyu toàn cầu năm 2022” do Cơ quan trao đổi văn hóa quốc tế Hàn Quốc công bố vào tháng 9 năm ngoái, trung bình 64,2% số người được hỏi cho biết nhận thức của họ về Hàn Quốc đã thay đổi tích cực sau khi trải nghiệm Làn sóng Hàn Quốc ở nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới.
Hallyu cũng đang làm thay đổi hình ảnh của Hàn Quốc. Nếu như trước đây, hình ảnh về Hàn Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi các từ khóa liên quan đến một đất nước bị chia cắt hay vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, thì giờ đây, Làn sóng Hàn Quốc đã trở thành hình ảnh đại diện cho Hàn Quốc.
Người ta thấy rằng tất cả các châu lục ngoại trừ châu Phi và Trung Đông đều công nhận K-pop là hình ảnh đại diện của Hàn Quốc. Trong trường hợp của châu Á và châu Đại Dương, 16,2% chọn Hallyu làm hình ảnh đại diện cho Hàn Quốc. Tỷ lệ này ở Bắc, Trung, Nam Mỹ là 16,1% trong khi ở châu Âu là 10,3%.
Kết quả trên cho thấy Hallyu đã thâm nhập sâu vào thị trường nội dung văn hóa của mỗi quốc gia. Kết quả của việc phân tích tỷ lệ nội dung Làn sóng Hàn Quốc trong tổng mức tiêu thụ nội dung văn hóa ở mỗi quốc gia cho thấy tại Trung Đông, nội dung văn hóa Hàn chiếm 34,4%, châu Á và châu Đại Dương 29,9% và châu Mỹ 23,9%. Điều này có nghĩa là nội dung của Hallyu được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi như nội dung văn hóa của một quốc gia.
Hong Seok-kyung, Giáo sư tại Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: Giờ đây, Hàn Quốc đã cho thấy rằng mình có năng lực văn hóa và trở thành một chủ thể văn hóa có khả năng mê hoặc các quốc gia khác bằng nội dung văn hóa đã nở rộ thông qua quá trình phát triển của riêng mình. Đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng một cách tinh tế hơn Hallyu cả trên khía cạnh công nghiệp và ngoại giao.
Làn sóng Hàn Quốc, còn gọi là "Hàn lưu" hay Hallyu, còn có tên gọi đầy đủ là làn sóng văn hóa Hàn Quốc, là sự gia tăng phổ biến trên toàn cầu của văn hóa Hàn Quốc kể từ thập niên 1980.
Lần đầu tiên được thúc đẩy bởi sự phổ biến của K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc) và K-pop (nhạc Pop Hàn Quốc) trên khắp Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á trong giai đoạn đầu, Làn sóng Hàn Quốc đã phát triển từ một hiện tượng trong khu vực thành một hiện tượng toàn cầu, nhờ Internet và phương tiện truyền thông xã hội và sự gia tăng của video âm nhạc K-pop trên YouTube.