Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt sau khi đạt mức cao nhất trong 19 tháng
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp trên thị trường tiền tệ một cách linh động nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống. Trong tháng 11, Nhà điều hành đã phát hành gần 21,4 nghìn tỷ đồng tín phiếu, với lãi suất 3,7% - 4%, kỳ hạn 28 ngày.
Cùng với đó, NHNN cũng bơm khoảng 315 nghìn tỷ đồng qua kênh OMO, với mức lãi suất 4% và kỳ hạn 7 ngày, nhằm giải tỏa áp lực thanh khoản sau những phiên hút ròng liên tiếp trong thời gian vừa qua. Sau khi cấn trừ đi lượng tín phiếu và OMO đáo hạn, NHNN đã bơm ròng 87,1 nghìn tỷ đồng vào hệ thống trong tháng 11.
Lãi suất thị trường liên ngân hàng đã trải qua nhiều biến động đáng kể trong tháng này. Khởi đầu tháng ở mức 3,6%, lãi suất qua đêm đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 19 tháng tại 5,5% vào ngày 4/11. Nguyên nhân cho việc này được cho là do áp lực thanh khoản gia tăng sau khi Kho bạc Nhà nước rút 110 nghìn tỷ đồng từ ba ngân hàng lớn trong quý III/2024. Tuy nhiên, sau những nỗ lực bơm ròng của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã dần hạ nhiệt và giảm về mức 3,3% vào cuối tháng 11.
Trong khi đó, đối với các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng, lãi suất hiện đang dao động trong khoảng 3,8% - 4,2%.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Sau khoảng 2 tháng chững lại, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 11 với 16 ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng lớn như Agribank, Techcombank và MB, đã tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm. Theo các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán MB (MBS), xu hướng tăng này dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới tuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.
Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/11 đã tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Do đó, điều này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thươngmaij đạt mức 5% (cao hơn 14 điểm cơ bản so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.
Chuyên gia MBS cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Tính đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng đã tăng 11,12%, cao hơn so với mức 9,15% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và FED hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Dựa vào các yếu tố trên, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024.