Doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục trong năm 2022
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã được kiểm toán, năm 2022 Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) ghi nhận gần 26.804 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tăng 10% so với năm 2021. Tuy nhiên, chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 42%, lên 513 tỷ đồng, dẫn đến doanh thu thuần bảo hiểm chỉ đạt hơn 26.322 tỷ đồng, tăng 9%.
Trong năm qua, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm của Manulife giảm hơn 33% so với năm 2021, xuống 18.580 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường bảo hiểm giảm mạnh 37%, còn gần 15.379 tỷ đồng và chi phí hoa hồng bảo hiểm cũng giảm 5%, xuống còn 3.191 tỷ đồng, giúp Manulife chuyển từ lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm 3.649 tỷ đồng năm 2021 sang lãi hơn 7.742 tỷ đồng trong năm 2022.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính năm 2022 của Manulife lại giảm gần 5%, xuống 4.820 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động tài chính tăng hơn 2,9 lần lên 2.366 tỷ đồng. Trong đó, Manulife Việt Nam ghi nhận lỗ từ mua bán cổ phiếu hơn 868 tỷ đồng, gấp 4,7 lần năm trước. Công ty cũng phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán hơn 768 tỷ đồng, gấp gần 32 lần năm 2021.
Năm 2022, chi phí bán hàng của Manulife Việt Nam tăng hơn 4% so với năm 2021, lên gần 5.913 tỷ đồng, trong đó, đa phần là chi phí khen thưởng, hỗ trợ đại lý (4.183 tỷ đồng), chi phí thi đua, hội nghị (1.277 tỷ đồng) và chi phí các kênh phân phối tăng gấp 3 lên 417 tỷ đồng.
Chi phí trả lương nhân viên của Manulife đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng trong năm 2022 - Nguồn: Báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã được kiểm toán của Manulife
Chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty cũng tăng gần 27%, lên 2.985 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, chi phí trả lương nhân viên lên tới 1.133 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2021). Theo báo cáo, đến cuối năm 2022, công ty có 1.153 nhân viên, tăng đáng kể so với con số 999 người vào cuối năm 2021.
Kết quả, sau khi trừ các chi phí, Manulife Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục hơn 2.562 tỷ đồng năm 2022, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế 4.741 tỷ đồng. Nhờ đó, lỗ lũy kế của doanh nghiệp giảm từ 7.961 tỷ đồng xuống còn 5.526 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Manulife Việt Nam đạt gần 106.379 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Với mức tổng tài sản này, Manulife đang nằm trong top 3 những công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất trên thị trường Việt Nam (sau Prudential và Bảo Việt Life).
Trong cơ cấu tài sản của Manulife, phần lớn tài sản nằm ở đầu tư tài chính dài hạn, đạt gần 62.752 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu chính phủ và trái phiếu do chính phủ bảo lãnh là gần 60.681 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng là 1.992 tỷ đồng.
Khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể so với đầu năm (tăng 53%), đạt 21.998 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu là hơn 7.875 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Tiền gửi ngắn hạn cũng tăng hơn 80%, tương đương hơn 5.242 tỷ đồng, lên mức 11.769 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2022, Manulife Việt Nam đã rót thêm 814 tỷ đồng vào đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nâng tổng tài sản ngắn hạn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp lên hơn 1.500 tỷ đồng.
Mối lợi lớn từ bancassurance
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm thông qua hợp tác với ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới.
Từ năm 2009, Manulife đã là một trong những doanh nghiệp đi đầu thiết lập bancassurance và hiện đang hợp tác với 3 ngân hàng để phân phối bảo hiểm và trở thành doanh nghiệp có "tên tuổi" trong lĩnh vực này.
Những năm gần đây, có thể thấy Manulife liên tục "bành trướng" thế lực của mình qua hàng loạt ký kết hợp tác và các thương vụ thâu tóm thị trường bảo hiểm. Đáng kể nhất gần đây là thương vụ mua lại bảo hiểm Aviva.
Bancassurance là một trong những kênh phân phối chiến lược của Manulife, giúp doanh thu bảo hiểm của công ty tăng vượt bậc. Năm 2021, doanh thu bảo hiểm của Manulife đã vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 24.505 tỷ đồng và năm 2022 đã vượt 26.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mảng bancassurance của Manulife gần đây đang gặp không ít lùm xùm liên quan đến những tố cáo của khách hàng.
Theo đó, tháng 2/2022, Bộ Tài chính thông báo đã nhận được đơn tố cáo của các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên ngân hàng SCB (đại lý của Manulife Việt Nam). Bộ Tài chính đã chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Hồi tháng 1/2023, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đã có văn bản gửi ngân hàng SCB xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật về kiến nghị của người dân phản ánh việc bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.
Trước đó, theo thông tin các cơ quan chức năng, hơn 50 người dân gửi tiết kiệm tại SCB tố cáo bị chuyển gần 10 tỷ đồng sang mua bảo hiểm nhân thọ Tâm An đầu tư (một sản phẩm bảo hiểm của Manulife). Người dân cho biết, trong quá trình tư vấn, nhân viên SCB không nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm mà là sản phẩm đầu tư do ngân hàng kết hợp với Manulife và gói bảo hiểm là quà tặng kèm. Do đó, nhân viên không phân tích nhu cầu, tài chính hay tư vấn đúng giá trị của bảo hiểm mà chỉ tập trung vào lãi suất khách hàng sẽ nhận được.
Khi vụ việc trên còn chưa kịp lắng xuống thì mới đây, Manulife lại tiếp tục được réo tên khi liên quan đến ồn ào về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giao kết giữa diễn viên Ngọc Lan với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI (MVI Life) - một trong những công ty thành viên của Tập đoàn Tài chính Manulife.
Liên quan đến vụ việc này, chiều ngày 10/4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm; việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; công tác dịch vụ và chăm sóc khách hàng đối với các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.
MVI Life có tiền thân là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinBank Aviva, liên doanh giữa VietinBank và Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Aviva đến từ Vương quốc Anh.
Năm 2017, Tập đoàn Aviva mua lại phần vốn góp của VietinBank, thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Aviva Việt Nam. Tháng 12/2021, Manulife nhận chuyển nhượng cổ phần, mua lại Aviva Việt Nam. Tháng 6/2022, sau khi thương vụ hoàn tất, Aviva Việt Nam được đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MVI.