Kinh tế Nhật trên đường tìm lại “thời hoàng kim”

Sau khoảng ba thập kỷ trì trệ, Nhật Bản đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một để phục hồi nền kinh tế thông qua đổi mới công nghệ và tinh thần khởi nghiệp.

095205-kinh-te-nhat-ban-giam-manh-hon-du-bao.jpg
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Utsunomiya, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thị trường lao động thắt chặt đã khuyến khích những lao động trẻ từ bỏ công việc làm công ăn lương cố định tại các công ty lớn và thúc đẩy họ chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp. Nỗi đau kinh tế do cái gọi là những thập kỷ mất mát gây ra đang giảm bớt và sức mạnh mềm của quốc gia này đang thu hút nhân tài toàn cầu. Các nhà đầu tư đang nhận thấy sự ổn định của lĩnh vực công nghệ ở Nhật Bản trong bối cảnh các nền kinh tế lớn khác đều đang có những vấn đề riêng.

Mọi thứ đã chín muồi cho sự thay đổi lâu dài. Chính phủ Nhật Bản dường như nhận thức được thời điểm quan trọng này và đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích các công ty khởi nghiệp. Tuy vậy, để Nhật Bản thành công trong việc tạo ra loại công ty có thể có ảnh hưởng toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách cần phải thực hiện những biện pháp táo bạo hơn và các công ty mà họ hỗ trợ phải có tham vọng lớn hơn. Nhật Bản cũng cần tự tạo ra con đường thành công riêng thay vì sao chép nguyên si các chiến lược đã mang lại thành công ở những nước khác.

Trong kế hoạch phát triển 5 năm của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida có mục tiêu tạo ra 100.000 công ty khởi nghiệp và tăng số lượng công ty kỳ lân lên hơn mười lần, đạt 100 vào năm 2027. Công ty kỳ lân là thuật ngữ chỉ công ty khởi nghiệp tư nhân được định giá trên 1 tỷ USD. Tuy vậy, tình hình không diễn ra như kế hoạch dự định. Theo số liệu của công ty phần mềm và dữ liệu tài chính Pitchbook, tính đến tháng 7/2024, Nhật Bản chỉ có 10 kỳ lân, so với 714 ở Mỹ, 316 ở Trung Quốc và 62 ở Ấn Độ. Nhật Bản đã đưa ra mục tiêu trên trong bối cảnh các nhà đầu tư không còn nhiều hào hứng như trước với việc tạo ra các công ty kỳ lân trên toàn cầu.

Quảng cáo

Giải pháp của Nhật Bản là cố gắng tạo ra hàng chục nghìn công ty khởi nghiệp và hy vọng ít nhất một doanh nghiệp trong số đó sẽ trở thành một công ty kỳ lân cũng không hợp lý đối với quy mô thị trường của nước này, vốn nhỏ hơn so với Mỹ hoặc Trung Quốc. Những đặc thù của thị thị trường trong nước đã khiến các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Nhật Bản “lên sàn” sớm hơn nhiều so với các công ty Mỹ - thường chỉ sau một vài vòng gọi vốn, theo nghiên cứu do Initial công bố. Sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), các công ty này phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận trước mắt cho các cổ đông thay vì những dự án công nghệ đầy tham vọng hoặc các nỗ lực tăng trưởng rủi ro hơn có thể có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Chính phủ Nhật Bản có thể bắt đầu bằng cách tăng cường tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì hầu hết hỗ trợ cho R&D đều dưới hình thức tín dụng thuế nên chỉ những công ty có lợi nhuận mới có thể khai thác được nguồn này. Do đó, 92% tài chính hỗ trợ cho R&D dành cho các công ty lớn, theo cuốn sách "Cuộc đấu vì tương lai kinh tế của Nhật Bản: Doanh nhân cạnh tranh với các tập đoàn lớn" của tác giả Richard Katz xuất bản năm 2024. Tác giả Richard Katz cho rằng Nhật Bản nên cho phép các công ty khởi nghiệp sử dụng tín dụng thuế khi họ có triển vọng kinh doanh có lãi.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã triển khai giảm thuế cho các cá nhân đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, nhưng yêu cầu khoản này phải dành cho một công ty duy nhất, vốn có rủi ro cao hơn nhiều. Thay vào đó, Nhật Bản có thể làm theo mô hình của Pháp, cho phép các tổ chức, cá nhân rót vốn vào các quỹ đầu tư, vốn có xu hướng sinh lời nhiều hơn và ít rủi ro hơn, đồng thời mở ra nhiều nguồn tài trợ hơn cho các công ty khởi nghiệp.

Các nhà hoạch định chính sách cũng nên tập trung nguồn lực vào các ý tưởng đầy tham vọng. Trong một bài đăng trên blog gần đây, ông Takaaki Umada, Giám đốc của Found X thuộc Đại học Tokyo đã cảnh báo "sự khởi đầu của hồi kết" của cơn sốt khởi nghiệp tại Nhật Bản có thể đã bắt đầu. Nhật Bản có thể tiếp tục tạo ra các công ty mới bằng cách bắt chước các chiến lược của Mỹ. Nhưng điều này rất có thể sẽ dẫn đến các công ty chỉ bằng 1/10 quy mô của các công ty tại Mỹ, ngay cả khi chúng có lợi nhuận cao hơn trong ngắn hạn. Ông Umada cho rằng Nhật Bản cần tăng cường hỗ trợ cho loại hình công ty khởi nghiệp có thể vươn ra toàn cầu ngay từ ngày đầu tiên và dẫn dắt lĩnh vực mà nó hoạt động.

Điều này có vẻ rủi ro hơn, thậm chí không phải là phong cách của người Nhật. Nhưng cách suy nghĩ này đã thúc đẩy sự phát triển và mang lại thành công cho một số công ty nổi tiếng nhất của Nhật Bản, như tập đoàn Sony Group hiện vẫn góp phần thúc đẩy nền kinh tế của nước này cho đến ngày nay. Từng là một công ty gồm 20 người được thành lập ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, những người sáng lập Sony đã chọn tạo ra các công nghệ mới và "làm những gì chưa từng có trước đây" thay vì bắt chước các đối thủ cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm nổi tiếng như máy nghe nhạc Walkman và sự đổi mới tiên tiến khiến cả thế giới phải trầm trồ khen ngợi.

Các chính sách công nghiệp bảo hộ có lợi cho một công ty duy nhất thường thất bại, nhưng các khoản trợ cấp R&D có thể có hiệu quả khi nếu quyền quyết định phân bổ thuộc về các nhà khoa học và kỹ sư thay vì chịu ảnh hưởng bởi mục đích chính trị. Và các chính sách thành công nhất là những chính sách thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nhà đầu tư nên tập trung nguồn lực vào những sáng kiến được gọi là "công nghệ sâu" đang phát triển các công nghệ mới có tính đột phá.

Theo các chuyên gia kinh tế, thành công của Sony phụ thuộc nhiều vào sự lãnh đạo của những người sáng lập hơn là bất kỳ chính sách hỗ trợ nào của chính phủ. Tuy vậy, trong bối cảnh Nhật Bản đang cố gắng nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp, nước này nên khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sự cạnh tranh và cần tôn vinh hơn nữa các doanh nhân. Sau khi tụt hậu so với Thung lũng Silicon trong suốt kỷ nguyên Internet và phần mềm, điều này sẽ mang lại cơ hội tốt nhất để kinh tế Nhật Bản tìm lại "thời hoàng kim".

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc

Số liệu lạm phát sẽ tác động tới quyết định lãi suất của Fed

Cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 17-18/12 tới đang thu hút rất nhiều sự chú ý khi thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay.

Fed cảnh báo về những thách thức đối với khối doanh nghiệp nhỏ Fed dự kiến giảm dần lãi suất nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt

Ngân hàng Thế giới bổ sung vốn kỷ lục lên đến 100 tỷ USD cho phát triển toàn cầu

Số tiền khổng lồ sẽ được dùng để hỗ trợ 78 quốc gia có thu nhập thấp, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và ứng phó với Biến đổi Khí hậu.

WB: Lượng kiều hối toàn cầu tăng chậm đáng kể trong năm 2022 Nguyên nhân khiến WB cảnh báo về một thập kỷ mất mát của kinh tế thế giới