BNEWS
Trong bối cảnh các thông báo thuế quan mới dự kiến được đưa ra vào tuần tới, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ lập trường thận trọng về lãi suất.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu đã làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về giá ô tô và các sản phẩm khác sẽ tăng cao. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa thể giải quyết những tranh cãi về tác động của chính quyền Tổng thống Trump đối với nền kinh tế Mỹ sau hai tháng nắm quyền.
Trong bối cảnh các thông báo thuế quan mới dự kiến được đưa ra vào tuần tới, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ lập trường thận trọng về lãi suất. Khi các cuộc khảo sát cho thấy dấu hiệu lo lắng về kinh tế và niềm tin sụt giảm, Fed đang theo dõi xem liệu những yếu tố này có ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế quan trọng như tỷ lệ thất nghiệp, vốn vẫn đang ở mức thấp. Fed cũng cân nhắc xem liệu tâm lý lo ngại của doanh nghiệp và hộ gia đình về giá cả leo thang có thổi bùng lại lạm phát hay không.
Các quan chức Fed vẫn nhớ rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các biện pháp thuế quan từng buộc Fed phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát cao đầu những năm 2020, lần này bối cảnh có thể khác.
Chủ tịch Fed bang Minneapolis, Neel Kashkari, phát biểu: “Thuế quan có thể đẩy giá cả lên một chút, làm tăng áp lực lạm phát và buộc Fed phải duy trì lộ trình lãi suất cao hơn. Nhưng đồng thời, chúng cũng kìm hãm hoạt động kinh tế, điều này có thể kéo lãi suất xuống. Nhìn chung, hai yếu tố này triệt tiêu lẫn nhau. Vì vậy, tôi nghĩ tốt nhất là nên giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong một thời gian dài để chờ tình hình rõ ràng hơn”.
Tuy nhiên, thuế quan chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách phải đánh giá tổng thể tác động từ kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump, bao gồm cắt giảm chi tiêu và thuế liên bang, nới lỏng quy định và siết chặt chính sách nhập cư. Ông lưu ý rằng ảnh hưởng tổng hợp của tất cả các chính sách này, cùng với thuế quan, vẫn là một ẩn số.
Ngày 27/3, các nhà giao dịch trên thị trường hợp đồng tương lai lãi suất ngắn hạn tiếp tục đặt cược vào ba đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, bắt đầu từ tháng 6/2025. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ có ít lần cắt giảm lãi suất hơn, phù hợp với dự báo của Fed tuần trước khi họ giữ nguyên lãi suất trong khoảng 4,25%-4,50%.
Các quan chức Fed cho biết họ chưa thấy cần thay đổi chi phí vay ngắn hạn ngay lập tức do dữ liệu kinh tế vẫn mạnh mẽ, dù tình hình chính sách còn nhiều bất ổn.
Lạm phát, tính theo thước đo ưa thích của Fed, đang cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 2%. Chủ tịch Fed St. Louis, Alberto Musalem, mới đây cảnh báo rằng nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng, ông có thể ủng hộ một đợt tăng lãi suất thay vì cắt giảm. Dù vậy, phần lớn các quan chức Fed vẫn xem đây là kịch bản khó xảy ra.
Một số nhà hoạch định chính sách khác, như Chủ tịch Fed bang Chicago, Austan Goolsbee, vẫn tin rằng có dư địa để giảm lãi suất trong năm tới. Họ không quá lo ngại về việc tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 4,1% sẽ tăng mạnh, mà kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
Fed sẽ theo dõi sát các số liệu kinh tế sắp công bố, bao gồm báo cáo lạm phát theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), dự kiến được công bố vào ngày 28/3 (giờ địa phương) và báo cáo việc làm tháng Ba của Bộ Lao động vào ngày 4/4.