Khủng hoảng năng lượng có đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng?

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể giáng một đòn ngắn hạn vào quá trình chuyển đổi của châu Âu khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Theo chuyên gia Nicolas Crawford thuộc Viện IISS, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể giáng một đòn ngắn hạn vào quá trình chuyển đổi của châu Âu khỏi nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, sự gián đoạn hiện tại và trọng tâm của châu Âu trong việc đạt được an ninh năng lượng có thể thực sự đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực trong dài hạn.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu - xuất phát từ sự gián đoạn trên thị trường năng lượng do xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga - đã làm đảo lộn nhiều giả định được sử dụng trong các dự báo về quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của khu vực.

Trước cuộc khủng hoảng, châu Âu đã lên kế hoạch tăng giá carbon và đưa ra cơ chế điều chỉnh biên giới đối với carbon nhằm khuyến khích các công ty sử dụng năng lượng sạch. Khí đốt tự nhiên được kỳ vọng sẽ thay thế than đá trong nhiều ứng dụng và mặc dù tổng mức tiêu thụ khí đốt được dự báo sẽ giảm khoảng 5% vào cuối năm 2030, giả định là nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong mức tiêu thụ này.

Thay vào đó, do khủng hoảng, lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống của châu Âu sẽ giảm đáng kể và khu vực này sẽ nhập khẩu nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hơn. Hơn nữa, do giá khí đốt tăng, quá trình chuyển đổi khỏi than đá đã chậm lại và nỗ lực thúc đẩy định giá carbon cao hơn đã suy yếu.

Tuy nhiên, châu Âu đang tiến nhanh hơn tới năng lượng tái tạo, bất chấp việc thắt chặt ngân sách của chính phủ và chi phí ngày càng tăng của một số công nghệ xanh. Xem xét từng lĩnh vực, có vẻ như cuộc khủng hoảng năng lượng trên thực tế có thể giúp tăng tốc hướng tới năng lượng sạch hơn.

Khí đốt tự nhiên

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã thúc đẩy các khoản đầu tư nhằm mở rộng khả năng nhập khẩu LNG của lục địa này để thay thế khí đốt đường ống của Nga. Hầu hết các khoản đầu tư mới được công bố của châu Âu là vào các đơn vị lưu trữ và tái chế khí nổi (FSRU), giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt khí đốt trong dài hạn. Từ năm 2022 đến năm 2025, công suất nhập khẩu LNG của châu Âu sử dụng FSRU sẽ tăng từ 5% lên 30%.

FSRU là các tàu vận chuyển LNG trước đây đã được chuyển đổi thành các trạm khí hóa LNG và có thể được lắp đặt nhanh hơn và với chi phí vốn thấp hơn so với các trạm khí hóa thông thường trên bờ. Sau 7-8 năm, các FSRU sẽ có chi phí vận hành đắt hơn so với các trạm khí hóa trên bờ. Nhưng vì chúng thường được thuê riêng và có thể di chuyển đến những nơi khác trên thế giới, châu Âu có thể tạm thời sử dụng FSRU mà không cần hạn chế tiêu thụ LNG.

Châu Âu đã đề xuất các khoản đầu tư vào dầu đá phiến. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi dầu đá phiến vẫn chưa thể xảy ra. Mặc dù Chính phủ Hungary và Anh đã hủy các lệnh cấm khai thác dầu đá phiến, nhưng sự phản đối của người dân địa phương đối với các dự án mới vẫn rất cao trên khắp châu Âu vì những chấn động do quá trình này gây ra. So với các khu vực dân cư thưa thớt ở Bắc Mỹ, nơi hoạt động khai thác dầu đá phiến đã trở nên phổ biến, châu Âu lại có mật độ dân cư đông đúc hơn nhiều.

Khí hydro hóa lỏng

Trong nỗ lực lớn hơn để các khoản đầu tư LNG mới tương thích với các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC), Chính phủ Đức và các chính phủ quốc gia khác đã kêu gọi cơ sở hạ tầng LNG mới “sẵn sàng cho hydro”. Hydro sạch dự kiến sẽ trở thành nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai, đặc biệt là cho ngành công nghiệp, thay cho than và khí đốt. Khi cấp phép cho các FSRU mới ở Wilhelmshaven và Brunsbüttel, Chính phủ Đức cũng đã phê duyệt việc lắp đặt các cơ sở trên đất liền để nhập hydro sạch (hoặc amoniac, một dẫn xuất hydro) và nước này sẽ sử dụng đường ống cho các FSRU tương thích với cả hydro và khí tự nhiên.

Một tác động khác của cuộc khủng hoảng khí đốt là châu Âu có thể sẽ theo đuổi “hydro xanh” (green hydrogen) sản xuất từ năng lượng tái tạo, thay vì “hydro xanh lam” (blue hydrogen) sản xuất từ khí tự nhiên. Trước cuộc khủng hoảng năng lượng, hydro xanh lam có lợi thế về chi phí so với hydro xanh, nhưng điều này không còn đúng nữa. Bên cạnh đó, do tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt hiện nay, việc quay trở lại giá khí đốt thấp hơn có thể không đủ để thuyết phục các công ty rằng việc đầu tư vào hydro xanh là đáng để mạo hiểm.

Than đá

Quảng cáo

Tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên đã dẫn đến "sự hồi sinh" của than đá ở châu Âu, điều này gây thiệt hại cho các mục tiêu phát thải ròng bằng không. Các chính phủ ở Áo, Đức, Hà Lan, Anh và một số nước đã duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than toàn thời gian hoặc sử dụng như một nguồn thay thế dự phòng cho khí đốt tự nhiên.

vna-potal-ukraine-ngung-xuat-khau-khi-dot-than-da-va-dau-nhien-lieu-stand-20221124223141-2411.jpg

Than đá được khai thác tại mỏ than gần Torez, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Tương tự như vậy, một số nhà máy điện dự định chuyển từ than sang khí đã hoãn chuyển đổi, chẳng hạn như nhà máy của Volkswagen ở Wolfsburg. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời và với việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu than của Nga, chi phí sản xuất điện đốt than ngày càng tăng đồng nghĩa với việc than đá sẽ biến mất khỏi hỗn hợp năng lượng của châu Âu trong vòng vài năm tới.

Điện hạt nhân

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã có tác động tích cực trong ngắn hạn đối với ngành điện hạt nhân. Bỉ, Đức và Hungary đã kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia và Anh đều đã tìm cách tăng tốc đầu tư vào các nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động vào những năm 2030. Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về tiềm năng xây dựng các nhà máy hạt nhân mới ở các nước châu Âu khác, đặc biệt là những nước hiện đang sử dụng khí đốt để phát điện.

Ví dụ, ở Italy, cả ba đảng trong chính phủ liên minh cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni đều ủng hộ các khoản đầu tư điện hạt nhân mới. Một cuộc tranh luận nhỏ về vấn đề này đã diễn ra ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nơi đang thực hiện kế hoạch nhiều năm để ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện hạt nhân của mình. Nhưng trong trường hợp của Đức, năng lượng hạt nhân không thể dễ dàng thay thế khí đốt tự nhiên, vốn được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp và để sưởi ấm gia đình hơn là để phát điện.

Năng lượng tái tạo

Đáng chú ý là cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến các chính phủ trên khắp châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng tái tạo bằng cách xúc tiến phê duyệt các dự án và cung cấp thêm vốn. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của châu lục vào nhập khẩu năng lượng. Nhưng các chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đơn giản hóa và tăng tốc các quy trình quản lý.

Khi những thay đổi đã được thực hiện, hiệu quả của thời gian thực hiện ngắn hơn đối với các dự án năng lượng tái tạo sẽ được cảm nhận trong khoảng 3 năm đến 5 năm. Sau đó, một làn sóng lớn hơn các dự án năng lượng Mặt Trời và gió có thể sẽ đi vào hoạt động.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đã tạo ra áp lực chi phí đáng kể cho việc triển khai năng lượng tái tạo. Các nhà sản xuất năng lượng Mặt Trời và gió phải đối mặt với chi phí sản xuất và vật liệu tăng cao. Và chẳng hạn, giá thép và nhôm đã tăng rõ rệt khi các nhà cung cấp như ArcelorMittal cắt giảm sản xuất để giảm tiêu thụ năng lượng.

Do đó, các nhà sản xuất tua bin gió lớn như General Electric, Siemens Gamesa và Vestas phải đối mặt với lợi nhuận giảm và số lượng đặt hàng của họ từ năm 2022 đến nay yếu hơn so với năm 2021. Pháp có thể phải đối mặt với khả năng xóa sổ từ 6-7 GW năng lượng Mặt Trời mới và 5-6 GW điện gió mới do chi phí tăng cao, khiến chính phủ đã cho phép các nhà phát triển thu hồi chi phí bằng cách bán điện với giá cao hơn, cùng với các biện pháp khác.

Một số nhà khai thác năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân đã kiếm được lợi nhuận, bằng cách bán điện trên thị trường giao ngay cao hơn khoảng 300% so với chi phí năng lượng được quy định (LCOE) và dường như có vị trí thuận lợi để đầu tư quy mô lớn hơn nữa vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các nhà khai thác khác đã bán điện theo các thỏa thuận mua bán điện dài hạn hoặc hợp đồng có chênh lệch, hoặc họ bảo hiểm rủi ro cho doanh số bán điện của mình thay vì bán điện trên thị trường giao ngay. EU đã đưa ra mức trần giá tạm thời đối với năng lượng tái tạo, điều này sẽ cắt giảm lợi nhuận bất ngờ nhưng đảm bảo rằng doanh thu vẫn cao hơn LCOE và Anh cũng đang xem xét một thỏa thuận tương tự.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng năng lượng đã nhấn mạnh những lợi thế của năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân trong việc giúp châu Âu độc lập hơn về năng lượng và chi phí nhiên liệu hóa thạch cao hơn đã khiến năng lượng sạch trở nên cạnh tranh hơn. Do đó, các chính phủ châu Âu chắc chắn sẽ nhất trí đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, một hạn chế mà họ phải đối mặt là sự suy giảm tài chính công do chi phí vay tăng, tăng trưởng chậm và nhu cầu chi một khoản tiền lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình có hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Những nỗ lực kiểm soát ngân sách, theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EC, có thể gây áp lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng và các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Do vậy, nhiều biện pháp sẽ không được tài trợ, trừ khi các chính phủ có lập trường thoải mái hơn đối với chi tiêu vốn. Đây có thể là yếu tố quan trọng quyết định, liệu cuộc khủng hoảng năng lượng có thúc đẩy hay kìm hãm quá trình chuyển đổi năng lượng hay không.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

"Gã khổng lồ" pin châu Âu Northvolt xin bảo hộ phá sản

Ngành công nghiệp xe điện toàn cầu hứng chịu cú sốc lớn khi Northvolt, một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu châu Âu, chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại Mỹ.

Ngành hàng chứng kiến làn sóng phá sản mạnh mẽ nhất tại Mỹ LDG bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cổ phiếu dư bán sàn khối lượng lớn

ADB sẽ tăng khoản cho vay liên quan đến khí hậu lên tới 7,2 tỷ USD

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết ADB sẽ tăng khoản cho vay liên quan đến khí hậu lên tới 7,2 tỷ USD, sau khi Mỹ và Nhật Bản đồng ý bảo lãnh rủi ro cho một số khoản vay hiện có.

Khẳng định vị thế "Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam" của ADB, HDBank triển khai mạnh mẽ các sáng kiến về tài trợ thương mại và ESG ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á đang phát triển

Thống đốc BoJ: Đầu tư vào giảm khí thải sẽ gây sức ép lạm phát tại Nhật Bản

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda mới đây cho biết, các khoản trợ cấp của chính phủ dành cho đầu tư vào giảm khí thải có thể tạo ra một số sức ép lạm phát trong ngắn hạn.

Đồng yen của Nhật Bản chạm mức thấp nhất trong gần hai tháng Các tập đoàn Nhật Bản đầu tư 3,3 tỷ USD để phát triển xe tự lái sử dụng AI

Fed có thể vẫn hạ lãi suất sau chiến thắng của ông Donald Trump

Fed được nhận định sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày 7/11, sau khi kết quả bầu cử Tổng thống được công bố, tiếp tục giảm chi phí đi vay do lạm phát hạ nhiệt.

Chứng khoán châu Á ngóng chờ tín hiệu từ Fed và các “ông lớn” công nghệ Giới phân tích và đầu tư tiếp tục không chắc chắn về giá vàng khi bầu cử Mỹ và cuộc họp của Fed đến gần