“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới”

2020 được coi là năm bản lề của kinh tế - xã hội Việt Nam, mốc thời gian có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng, và cũng là năm quan trọng của thị trường chứng khoán

Toàn cảnh diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá" diễn ra vào sáng 6/1.
Toàn cảnh diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá" diễn ra vào sáng 6/1.
Sáng nay (6/1/2020) tại TP.HCM đã diễn ra Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”, do Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì, Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO), Diễn đàn Đầu tư BizLIVE.vn tổ chức.

Diễn đàn có sự tham gia 300 đại biểu, là đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), các tổ chức quốc tế như Eurocham, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, các chuyên gia kinh tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí cùng đại diện doanh nghiệp.

Năm 2019, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng chậm lại bởi xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc... Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các rào cản về thể chế, chính sách từng bước được tháo gỡ.

Theo đó, năm 2019, GDP đã xác lập năm thứ 2 liên tiếp tăng trên 7% kể từ 2011, với mức tăng 7,02%. Lạm phát giữ được mức thấp, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục…

Bước sang năm 2020, đây được coi là năm bản lề của kinh tế - xã hội Việt Nam, với việc tổng kết thực hiện các nghị quyết, quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, là năm cuối thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và đề ra những chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.

Năm 2020 được xem là mốc thời gian có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng, phải kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu, 100% ngân hàng thương mại cổ phần phải hoàn thành thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán để chuẩn bị bước vào cuộc đua mới, với những mục tiêu xa hơn.

2020 cũng là năm quan trọng của thị trường chứng khoán. Theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Trong khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang là một trong những thị trường hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thông qua một loạt thương vụ mua bán, sáp nhập. Đối với một số lĩnh vực đang được coi là mới nổi, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân như Hàng không, Du lịch, Năng lượng tái tạo và Giáo dục, đào tạo thì 2020 được xem là năm bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt.

“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 1
PGS, TS. Vũ Đình Hòe, Phó Chủ tịch VABO phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS, TS. Vũ Đình Hòe, Phó Chủ tịch VABO nói: “Mục đích của Diễn đàn là tạo không gian gặp gỡ, giao lưu, đối thoại và trao đổi thông tin kinh tế, phân tích những cơ hội “tăng tốc và bứt phá” trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả, tích cực đóng góp cho nền kinh tế đất nước”.

PHIÊN 3: TĂNG TỐC & BỨT PHÁ TRONG CÁC LĨNH VỰC HÀNG KHÔNG, DU LỊCH & GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
Phiên 3 có sự tham gia của các diễn giả:
- Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
- TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế


- Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

- Bà My Lan, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Egroup

- Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

- Bà Bùi Kim Thuỳ, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN điều phối phiên thảo luận.
Chỉ chờ cơ chế pháp lý
Về ngành hàng không hiện nay, ông Võ Huy Cường nói: "Trong lĩnh vực hàng không, hệ thống cơ chế pháp luật của chúng ta chưa theo kịp sự phát triển, nhất là liên quan đến cơ chế quản lý đất đai.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 2
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam
Chúng ta hiện rất vướng trong cơ chế về đầu tư. Muốn đầu tư thì phải đấu giá đất, mà đất giá quá cao thì nhà đầu tư không vào mà đất giá thấp thì ngày nào đó lại thanh tra kiểm tra rất khó khăn. Chúng tôi mong doanh nghiệp có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển".
Bình luận về ý kiến của ông Võ Huy Cường, ông Võ Trí Thành nói: "Với hàng không, tôi nghĩ bài toán chiến lược phải nhìn rộng hơn nữa. Số lượng công ty kinh doanh dịch vụ hàng không sắp tới là 8, nhiều quá cũng khó nhưng ít quá cũng khó, vậy 8 là nhiều hay ít? Có một số lĩnh vực dịch vụ quan trọng, cạnh tranh phải là số lượng hữu hạn. Nhưng hữu hạn là bao nhiêu thì là cả một câu chuyện".
Ông Vũ Tú Thành cho biết: "Về dịch vụ công ích trong hàng không, khi cổ phần hóa ACV lại không giao cho đơn vị nào của nhà nước, nên tạo khoảng trống. Chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ phải giao sớm cho một đơn vị nào đó khai thác. Sân bay Long Thành cũng đã có chủ trương giao cho tư nhân một cách công khai, minh bạch. Dù vậy, hiện nay chúng ta vẫn vướng nhiều thứ nên chưa dám quyết".
"Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mảng đầu tư hạ tầng hàng không, chỉ chờ chúng ta dọn dẹp các cơ chế pháp lý để vào đầu tư".
Dư địa trong lĩnh vực giáo dục rất lớn
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, bà Bùi Kim Thuỳ đặt câu hỏi với bà My Lan, Tổng giám đốc Egroup, vì sao Egroup lại chọn đầu tư vào giáo dục? Hiện doanh nghiệp còn đang vấp phải rào cản nào?
Trước khi trả lời câu hỏi, bà My Lan dẫn ví dụ về trường hợp Hàn Quốc. Những năm 1960, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo và đã lấy giáo dục là bệ phóng. Hàn Quốc đã cử hàng nghìn học sinh sang Mỹ, châu Âu học và có những chính sách khuyến khích người giỏi về nước cống hiến. Họ cũng khuyến khích 5% học sinh giỏi trở thành giáo viên, trả lương cao và xã hội cũng quý trọng nghề giáo.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 3
Bà My Lan, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Egroup (bên trái)
Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc. Tuy nhiên, lượng tiền mà người Việt Nam chi để ra nước ngoài học tập là rất lớn, nhưng tỷ lệ trở về nước không cao.
“TS. Cấn Văn Lực có nói đến thị trường lao động, tài chính, nhưng tôi cho rằng thị trường nhân lực cần được quan tâm hàng đầu. Trong khoảng 10-15 năm nữa nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nếu ngành giáo dục Việt Nam không có sự chuẩn bị trước sẽ bị tụt hậu. Do đó giáo dục nguồn nhân lực cần được quan tâm hàng đầu và có chính sách khuyến khích”, bà Lan nói.
"Nếu được cởi những nút thắt về điều kiện thành lập trường, pháp chế, thì dư địa đầu tư cho giáo dục còn rất lớn".
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 4
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

Nhận xét về lĩnh vực du lịch, theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, du lịch Việt Nam đang gặp phải vấn đề về thể chế chính sách. Bên cạnh đó sản phẩm chủ đạo mang đặc trưng của du lịch Việt Nam chưa thật sự đặc sắc.

PHIÊN 2: NHỮNG GIẢI PHÁP LÀM ĐÒN BẨY CHO THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VÀ BẤT ĐỘNG SẢN 2020
Phiên 2 có sự tham gia của các diễn giả:

- Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM

- TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

- Ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB

- Ông Hoàng Việt Cường - Phó tổng giám đốc Namabank

- Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, HSBC

- Ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit

- Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land.

- Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế là người điều phối phiên thảo luận.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 5
Các diễn giả tham gia phiên 2: Những giải pháp làm đòn bẩy cho thị trường tài chính và bất động sản 2020
2020 có 4 thách thức chính
Mở đầu phiên thảo luận thứ 2, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói, trong bất kể nền kinh tế nào luôn có 3 thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa, và thị trường tài chính. Riêng thị trường tài chính, tại Việt Nam, thị trường này đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô đã gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Năm 2019, thị trường tài chính phát triển tích cực hơn và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền ra nền kinh tế tốt, đảm bảo mức lạm phát 2,73%.
Khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn, với dự trữ ngoại hối lên tới gần 80 tỷ USD, tương đương với 3,7 tháng nhập khẩu. Tuy đây chưa phải là một mức cao, nhưng là kỷ lục từ trước tới nay. Trong những năm tới chúng ta sẽ phấn đấu dự trữ ngoại hối tương đương với 6 đến 8 tháng nhập khẩu.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 6
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Đây cũng góp phần quan trọng giúp Việt Nam tiến nhanh trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được WEF công bố, từ 77 lên 67 trong số 141 nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thể chế trong năm qua cũng có nhiều cải thiện, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm được thông qua, Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lãi suất, thanh khoản, tín dụng.
Nền kinh tế số, ngân hàng số, fintech đang được hình thành dù còn một số bất cập.
Trong năm qua, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250 nghìn tỷ, tăng 7% so với 2018. Dù vậy, tôi cho rằng chúng ta cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng.
Trên thị trường cổ phiếu, năm qua huy động 314 nghìn tỷ, tăng 13% so với năm trước.
Tín dụng tăng 13,7%, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực, và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế.
Về chất lượng tín dụng, chất lượng các khoản vay đang tốt lên. Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở VAMC nữa là khoảng 4,6%. Theo đó, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là tương đối khả thi.
Về thị trường cổ phiếu, năm vừa rồi, cổ phiếu nhóm công nghệ và viễn thông có diễn biến tốt nhất trên sàn chứng khoán khi tăng tới 36,7%, lĩnh cực ngân hàng bảo hiểm tăng 20%, riêng nhóm công ty chứng khoán thì không thuận lợi lắm khi giảm 16,3%.
Ngân hàng số và fintech đang phát triển mạnh mẽ. Hiện có tới 94% ngân hàng đã hình thành chiến lược phát triển ngân hàng số, thanh toán qua mobile banking tăng mạnh.
Về vốn cho nền kinh tế, năm vừa rồi, tăng trưởng dòng vốn đạt 12% thì không thể nói là thiếu vốn, chỉ là một số điểm chưa hấp thụ được.
Về thách thức, ông Cấn Văn Lực cho rằng năm tới sẽ có 4 thách thức chính.
Thứ nhất, thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số chậm quá, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán.
Thứ hai, rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, năm tới sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, giá vàng, tỷ giá…
Thứ ba là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng, áp lực trả nợ công.
Thứ tư, là vấn đề an ninh mạng. Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, trong khi đó, chỉ có 25% doanh nghiệp nói có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng. Rủi ro tài chính đang đan xen, nhưng chưa có đầu mối chung để phòng ngừa cũng như quản lý, đây là rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ quản lý nền kinh tế tài chính như nào trong bối cảnh đã có tới 58 ngân hàng đang nghiên cứu thành lập đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Giai đoạn “chín muồi” cho fintech Việt Nam
Đánh giá về hiện trạng và tiềm năng của thị trường fintech Việt Nam, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit cho rằng, trong hai ba năm gần đây thị trường fintech đang phát triển bùng nổ. 10-15 năm trước khi thị trường fintech Việt Nam manh nha, ban đầu chỉ có một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhưng dần dần đã có thêm những doanh nghiệp trong nước gia nhập và hiện nay là giai đoạn “chín muồi” cho phát triển thị trường fintech Việt Nam.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 7
Ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit
Nếu như trước đây, việc sử dụng các các ứng dụng online để thanh toán còn khá xa lạ, chủ yếu sử dụng tiền mặt nhưng đến hai ba năm gần đây khi các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tăng cường đầu tư vào Việt Nam thì các ứng dụng thanh toán như Momo, Grab, VNPay,… đã phát triển nở rộ và ngày càng phổ biến với người dân.
Với chính sách phát triển không tiền mặt của Chính phủ, đến 2020 mục tiêu đạt 30% nhưng hiện nay mới đạt 10%. Cùng với sự đầu tư ngày càng lớn của các doanh nghiệp thị trường fintech Việt Nam đang có một bước đà để phát triển và sẽ ngày càng thăng hoa.
Tuy việc phát triển này cũng sẽ dẫn đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt nhưng cạnh tranh khốc liệt là bản chất của thị trường, sẽ có doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường theo quy luật M&A.
Một số doanh nghiệp đang đầu tư tiền để thu hút người dùng và thay đổi thói quen dùng tiền mặt sang xã hội không dùng tiền mặt, điều này tiêu tốn kinh phí rất lớn. Nhưng rất may có nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đang đầu tư rất lớn vào để thay đổi thói quen này. Trong bối cảnh đó doanh nghiệp nào bắt kịp xu thế và đầu tư lớn vào thì sẽ chiếm được thị phần lớn.
Bổ sung cho ý kiến của ông Trần Việt Vĩnh, ông Võ Trí Thành cho biết, để fintech Việt Nam phát triển cần phải thay đổi được đồng thời ba điểm: thứ nhất là thói quen, thứ hai là thể chế, thứ ba là công nghệ.
Basel 2 là đương nhiên phải làm
Đặt câu hỏi với ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB, ông Võ Trí Thành nói, mặc dù không bắt buộc phải thực hiện Basel 2, vậy tại sao OCB vẫn làm, và làm rồi thấy được lợi gì?
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 8
Ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB
Ông Lý Hoài Văn cho biết, việc áp dụng Basel 2, đối với Việt Nam là phức tạp nhưng mà đối với thế giới là điều đương nhiên phải làm. OCB mặc dù không nằm trong top 10 ngân hàng được chọn của Ngân hàng nhà nước, nhưng OCB luôn có tầm nhìn dài hơn nên hội đồng quản trị quyết định đi trước thị trường.
"Cái chúng tôi đặt trọng tâm, thứ nhất là xây dựng được niềm tin của khách hàng và định chế đối với ngân hàng. Sau khi hoàn thành xong Basel, chúng tôi làm việc với các đối tác nước ngoài hiệu quả hơn. Việc áp dụng Basel, các ngân hàng cần phải có vốn đủ mạnh. Những năm vừa rồi chúng tôi tăng vốn liên tục và đến năm 2020 đã tăng vốn lên 10 nghìn tỷ. Chúng tôi đã ký hợp tác với một ngân hàng của Nhật. Năm rồi chúng tôi cũng đã có được thêm 3.200 tỷ và sẽ tiếp tục có những chuẩn bị phòng ngừa cho biến động của thị trường. Chúng tôi thực hiện được việc này đã 2 năm rồi, chúng tôi có tham vọng lên mục tiêu cao hơn", ông Văn nói.
Liên quan đến vấn đề niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ông Văn cho biết thêm, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, 100% ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, OCB cũng đang có lộ trình thực hiện.
Với Basel 3, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, lộ trình đi lên rất phù hợp, OCB đang trong quá trình phát triển lên cao hơn.
"Sẽ đưa thêm vốn giá rẻ vào thị trường"
Trước vấn đề được ông Võ Trí Thành đặt ra: "Ngân hàng Nam Á có kế hoạch như thế nào, có táo bạo như OCB hay không?", ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Namabank cho biết, gần đây nhất, ngày 12/12//2019, Nam Á là ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào tăng trải nghiệm của người dùng. Gần đây, việc phát triển về công nghệ không phải cái gì mông lung mà là xu thế. Namabank cũng đã có kế hoạch cho việc niêm yết.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 9
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Namabank (bên phải)
"Chính phủ đã có chủ trương giảm lãi suất cho vay. Thế giới đã không ngừng giảm, nếu muốn cạnh tranh được, thì các ngân hàng nhỏ cũng đối diện với thách thức. Chúng tôi cũng sẽ đưa thêm nguồn vốn giá rẻ vào thị trường", ông Cường nói.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên
Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp HSBC cho biết, HSBC là cầu nối cho doanh nghiệp FDI vào Việt Nam và là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới. Rõ ràng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng, và con số này tăng hàng năm.
"Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên. Theo Forbes Asia, trong số hơn 200 doanh nghiệp từ châu Á, cũng có rất nhiều đại diện doanh nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã bước ra khỏi biên giới của mình và chứng minh được với thế giới về khả năng cạnh tranh.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 10
Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp, HSBC
Thị trường bất động sản Việt Nam đang sụt giảm do độ trễ
Bình luận về những bất cập của thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng còn gặp nhiều điểm nghẽn.
Kết thúc năm 2019, trong số 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra, TP.HCM chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt. Đó là số doanh nghiệp thành lập mới của thành phố chỉ đạt 44.000 doanh nghiệp trong khi chỉ tiêu là hơn 46.000 doanh nghiệp.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 11
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA)
Năm 2019, theo tổng kết của Bộ Xây dựng cả nước có hơn 83.000 đăng ký thành lập mới, giảm 26% so với năm ngoái.
Với thị trường bất động sản TP.HCM chúng tôi thấy, trong năm 2019 có 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, 158 dự án liên quan đến đất công nằm trong diện rà soát, thậm chí có dự án nằm trong diện điều tra, khởi tố.
Cả năm 2019, chỉ có một dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018; chỉ có 4 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với 2018… Những con số này cho thấy quy mô thị trường bất động sản cả nước sụt giảm, bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm bất động sản.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang sụt giảm do độ trễ, và sẽ còn sụt giảm trong vòng vài năm tới.
"Từ góc độ của một hiệp hội, chúng tôi luôn thể hiện kiến nghị của mình để Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch. Bản chất thị trường bất động sản không xấu nhưng gặp nhiều vấn đề về pháp luật, thực thi pháp luật, và con người thực thi pháp luật.
Tại sao có những doanh nghiệp lớn vẫn tăng trưởng được, nhưng có những doanh nghiệp không thể tháo gỡ được khó khăn nên vấn đề của doanh nghiệp bất động sản cần là minh bạch về môi trường kinh doanh. Có như vậy thị trường bất động sản mới phát triển được", ông Châu nói.
Bên cạnh đó, theo ông Châu, cũng cần minh bạch thị trường trái phiếu để đây trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp bất động sản phát triển.
"Bất động sản không dành cho người yếu tim"
Nhận định về thị trường bất động trong năm 2019 và dự báo triển vọng năm 2020, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, trải qua 25 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà nghiệm ra rằng bất động sản là lĩnh vực “không dành cho người yếu tim” vì nhiều rủi ro.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 12
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land (thứ 4 từ trái qua)
Trong năm 2019 trong khi toàn cảnh bức tranh vĩ mô phần lớn màu sáng nhưng thị trường bất động sản vẫn gam màu xám do bất cập trong về cung cầu kéo theo thanh khoản kém.
Theo bà Hương các doanh nghiệp bất động sản nên chú ý đến hai nhu cầu: Thứ nhất, hiện nhu cầu nhà ở tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn lớn, thứ hai là nhu cầu về đầu tư. Doanh nghiệp bất động sản cần xác định sẽ hướng đến đối tượng nào. Ví dụ nếu nghiêng về nhu cầu đầu tư, khi bị các yếu tố bên ngoài tác động sẽ dễ gặp khó khăn. "Chúng tôi chọn cân bằng 50-50 để đảm bảo tính bền vững. Chúng tôi cũng định hướng kế hoạch 5 năm 10 năm, phân kỳ đầu tư và đầu tư hợp lý", bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, bức tranh 2020 là sáng hay trầm là do người vẽ nên bức tranh, trong đó có trách nhiệm hành động của doanh nghiệp, tăng cường năng lực đầu tư, đầu tư cho nhân sự và bắt kịp xu hướng của người dân.
"Năm 2020 là năm chúng tôi mong muốn có một thông điệp đủ mạnh của Chính phủ và Nhà nước về ngắn hạn để doanh nghiệp bất động sản có thể vạch ra được một chiến lược ngắn hạn và dài hạn để đầu tư đúng hướng, đặc biệt là chiến lược đầu tư dài hạn, không chỉ vì lợi ích trước mắt", bà Hương nói.
Thị trường bất động sản không đến mức bi quan
Chuyên gia Cấn Văn Lực bổ sung thêm, thị trường bất động sản không chỉ trong TP.HCM mà cả Hà Nội thời gian vừa qua cũng gặp khó khăn.
Nguồn cung năm 2019 tại TP. HCM giảm 52% trong khi cung thị trường Hà Nội cũng giảm 26%, do đó giá bất động sản đã bị đẩy lên tăng trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lặng hơn năm trước.
Cụ thể, giá bất động sản ở TP.HCM đã tăng 12%, giá ở Hà Nội tăng 6% trong năm qua, tùy từng phân khúc, địa bàn. Dù vậy, ở một số tỉnh khác như Quảng Ninh, Bình Thuận trong năm qua, bất động sản lại tăng trưởng rất tốt, nhà đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh này.
"Theo đó, tôi cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình cơ bản sàn lọc chứ không đến mức độ bi quan. Một trong những nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của bất động sản, như vấn đề condotel chẳng hạn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị phải có chính sách pháp lý phù hợp cho phân khúc này. Thứ hai liên quan đến rà soát, thanh tra kiểm tra", ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, trong năm qua, doanh nghiệp bất động trên sàn làm ăn khá tốt, giá cổ phiếu tăng trung bình khoảng 13% so với năm trước.
Liên quan đến tài chính bất động sản, tín dụng cho bất động sản tăng bình quân 14,5% trong năm qua. Về việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, ông Lực khẳng định thông tư này sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn đối với thị trường bất động sản, vay mua nhà, sửa chữa nhà vẫn chỉ chịu hệ số rủi ro 50%, còn kinh doanh bất động sản thì hệ số rủi ro vẫn ở mức 200%.
Bên cạnh đó, luật mới cho phép quỹ đầu tư bất động sản hoạt động, điều này sẽ giúp thu hút nhiều hơn vốn vào ngành này.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 13
Ông Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế
Ông Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế bổ sung thêm, trong năm qua, thị trường tài chính Việt Nam có quá nhiều điểm sáng, dù vẫn có vài điểm thách thức.
Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách, ban hành thông tư 41, thông tư 22,… để thị trường tài chính ngày càng phát triển. Có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã khá thành công trong năm qua, góp phần giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển.
Điều hành cẩn trọng để ổn định tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát
Ông Võ Trí Thành đặt vấn đề với đại diện Ngân hàng nhà nước, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cho biết định hướng của Ngân hàng Nhà nước về cung tiền, lãi suất, tỷ giá 2020.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu điều chỉnh hạ lãi suất, đó có phải là nới lỏng không? Về vốn cho bất động sản, nhiều người dùng từ siết chặt, có thể dùng từ nào hợp lý hơn?
Bà Bình trả lời, khi xây dựng chỉ tiêu định hướng năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dựa trên đánh giá tổng thể nhiều yếu tố, theo đó, dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng 13%, tăng trưởng tín dụng đạt 14%, các chỉ tiêu này cũng linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 14
Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước
Trong quá trình điều hành, NHNN cũng bám sát diễn biến thị trường với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp với chi phí hợp lý.
Thời gian qua, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp về lãi suất để ổn định và giảm lãi suất thị trường theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát, NHTW các nước liên tục cắt giảm lãi suất, ngày 16/9/2019 NHNN đã giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ thanh khoản và giảm chi phí vốn cho hệ thống TCTD.
Tiếp đó, ngày 19/11/2019 NHNN điều chỉnh giảm 0,2-0,5% đối với trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm lãi suất chào mua OMOs (2 lần giảm với tổng mức giảm là 0,75%). Phản ứng tích cực với chính sách của NHNN, các TCTD đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh; trong đó nhiều TCTD điều chỉnh giảm lãi suất sâu hơn mức trần quy định của NHNN.
Xét về tổng thể, điều hành CSTT của NHNN đã, đang và tiếp tục thể hiện sự linh hoạt hỗ trợ nền kinh tế, tính đến các tác động từ bên ngoài nhưng vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối trong trung, dài hạn. NHNN vẫn tiếp tục điều hành cẩn trọng các công cụ CSTT để ổn định tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn đối với các TCTD, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Về Thông tư 22, trong quá trình ban hành, NHNN đã có sự lắng nghe cũng như phân tích tình hình thực tế của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng, xây dựng lộ trình cụ thể để các ngân hàng điều chỉnh cơ cấu về vốn để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững hơn.
PHIÊN 1: BỨC TRANH TOÀN CẢNH MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VIỆT NAM 2020

Phiên 1 có sự tham gia của các diễn giả:

- TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

- TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung Ương

- Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

- Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ

- TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

- TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế

- Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 15
Các diễn giả tham gia trong phiên thảo luận Bức tranh toàn cảnh về môi trường Đầu tư và Kinh doanh Việt Nam 2020

Bà Bùi Kim Thuỳ, đến từ Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, người điều phối phiên 1 đặt vấn đề, Việt Nam tự hào và tự tin bước vào năm 2020 với một số mốc đáng chú ý: 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cạnh tranh giữa các cường quốc lớn trên thế giới, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Liên hợp quốc. Năm 2020, Việt Nam tiếp nối với hiệp định CPTPP đã bắt đầu từ năm 2019, sẽ tiếp tục với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu, có thể có hiệu lực từ năm 2020, ngoài ra là hiệp định RCEP...

Bà Thuỳ đề nghị các chuyên gia nhận xét về kinh tế 2019, dự báo 2020.

“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 16
Bà Bùi Kim Thuỳ, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, người điều phối phiên 1
Hai từ khóa của 2019 là gian nan và dũng cảm

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, hai từ khóa của năm 2019 là gian nan và dũng cảm, thương chiến Trung - Mỹ đang gây ra nhiều bất lợi cho kinh tế VN, nhưng chúng ta đã dũng cảm vượt lên thông qua những chỉ số kinh tế vĩ mô.

Có thể nói quy mô kinh tế của Việt Nam tăng nhanh, lần đầu tiên lọt top 50 nền kinh tế thế giới xét về quy mô nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang phát triển, tốc độ phát triển của doanh nghiệp lớn có quy mô rất nhanh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ đang sinh sôi.

Mặc dù vậy, theo ông Lộc, 2020 tiếp tục là năm gian nan, khó khăn, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế thế giới giảm tốc, thách thức với kinh tế còn nhiều. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khoẻ của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn có vấn đề.
Ông Lộc dẫn chứng, tăng trưởng của 2019 cũng như nhiều năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, chiếm hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mà không báo lãi.
"Bất kỳ sự tăng trưởng nào sẽ gây hại nếu không có sự phát triển tương ứng. Nguồn thu từ sản xuất kinh doanh vào ngân sách nhà nước không đạt dù rằng đã điều chỉnh giảm mục tiêu. 50% mức tăng của FDI. Xuất khẩu với phần lớn các thị trường giảm, trừ thị trường Mỹ. Tăng được xuất khẩu của thị trường Mỹ nhưng mừng cũng đi kèm với lo. 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, nhóm lĩnh vực kinh tế còn hoang sơ", ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, dù chúng ta có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để vào top 4. Dư địa lớn nhất của cải cách vẫn là thể chế.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 17
Diễn đàn có sự tham gia của 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư
Năm 2016, Việt Nam đã thành công khi cắt giảm điều kiện kinh doanh. Năm 2018, chúng ta cắt giảm thêm nhiều điều kiện kinh doanh. Nếu tập trung giải quyết các điểm nghẽn về luật pháp liên quan đến đầu tư kinh doanh thì đây sẽ là điểm đột phá lớn. Như vậy có nhiều vấn đề cần triển khai trong năm tới để bức tranh kinh tế của năm tới tươi sáng hơn chứ chưa nói đến bứt phá.
"Chính phủ đang chủ trương thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết những điểm chồng chéo trong kinh doanh, đó có thể là điểm đột phá của năm 2020", ông Lộc nhấn mạnh.
Năm 2020, điểm nghẽn đầu tư công sẽ được giải quyết
Từ cả hai góc độ của người vừa “vẽ” và ngắm” bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2019, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, 2019 không phải là năm quá khó khăn như ông Vũ Tiến Lộc nói.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 18
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
Theo ông Nguyễn Tú Anh, năm 2019 vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển. Thứ nhất là dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, vốn đăng ký mới đạt gần 17 tỷ USD, làm cho áp lực về vốn cho đối với nền kinh tế giảm đi. Khi dòng vốn ổn định thì lãi suất cũng ổn định hơn, điều này giúp nền tảng vĩ mô ổn định.
Điểm nổi bật nhất của năm 2019 là sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng 8%. Các doanh nghiệp tư nhân đang xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân đã xuất khẩu cả máy móc.
Năm 2019 thặng dư thương mại trên 10 tỷ USD, khiến dự trữ ngoại hối tăng. Từ 2011 đến nay Việt Nam liên tục thặng dư cán cân thương mại vãng lãi, đây là điều kiện kinh tế quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng vốn rẻ rồi dần chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu.
Nói về kỳ vọng và động lực của năm 2020, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, năm 2019 động lực bị tắc nghẽn lớn nhất là đầu tư công nhưng năm 2020 các điểm nghẽn này sẽ được giải quyết, những thủ tục vướng mắc của 2019 đã được giải quyết nên 2020 vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Năm 2018 ra Nghị định 20 có hiệu lực chỉ còn một tháng, đến 2019 đã được giải quyết và năm 2020 có thể tăng giải ngân đầu tư công đồng thời kích hoạt được dòng vốn tư nhân.
Đẩy mạnh kinh tế tư nhân để vượt qua các thách thức
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, ông nghĩ EVFTA mà chúng ta đã có vào tháng 6/2019 và hiện giờ đang chờ phê duyệt từ Liên minh châu Âu (EU) và Quốc hội Việt Nam là sự kiện rất lớn của Việt Nam và EU.
EU là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, còn đối với thị trường khác, cán cân thương mại mà Việt Nam có với các thị trường khác nhỏ hơn. Về phía Việt Nam, Việt Nam cần duy trì kết nối tốt với EU và Mỹ.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 19
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)
"Với EU, các bạn có được chứng nhận pháp lý, khuôn khổ pháp lý với sự tiếp cận này cho thị trường Liên minh châu Âu. Với hiệp định thương mại tự do này, các bạn có sự đảm bảo mạnh hơn, đầu tư được đẩy mạnh hơn. Các công ty muốn đầu tư ở nước mà họ có điều kiện tiếp cận thị trường bền vững. Khi mà chúng ta có dòng vốn FDI ngày càng mạnh", đại diện Eurocham nói.
Ông cũng khuyến nghị, không nên coi rằng EVFTA là điều đã có, mà vẫn cần đến sự phê duyệt của Nghị viện châu Âu, sự phê duyệt này sẽ tùy thuộc vào các nhóm chính trị hiện nay. Hiện tại, xu thế bảo hộ của nhiều nước thành viên châu Âu cũng ngày một gia tăng, điều này ảnh hưởng đến sự trúng cử/thắng cử của nghị viện, trên lĩnh vực này, Eurocham cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam.
"Với nền kinh tế Việt Nam, tôi đồng ý với các ý kiến trước, chúng ta cần vai trò lớn hơn của nền kinh tế tư nhân để vượt qua các thách thức, thích ứng với các chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chính phủ, thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi", ông Jean-Jacques Bouflet nói.

Việt Nam ở vị trí khá tốt, nhưng cảm giác vẫn chưa tranh thủ được cơ hội

Nhìn lại năm 2019, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam nhận xét, có thể thấy cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã được đẩy lên rất cao, bất ổn gia tăng. "Trong cục diện mới này, Việt Nam vẫn ở vị trí khá tốt, tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác chúng ta chưa tranh thủ được cơ hội", ông nói.

“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 20
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam

"Năm 2019, dường như Việt Nam khá thuận lợi giữa những rủi ro của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, tuy nhiên, tôi cho rằng nguy cơ này sang năm 2020 sẽ nhiều hơn. Theo đó, những gì chúng ta đã làm được trong năm 2019 thì cần phải được củng cố và phát triển thì chúng ta mới đủ năng lực để chống lại những rủi ro và tiếp tục đi lên trong năm mới này".

"Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đã được đẩy lên từ khi ông Trump bắt đầu lên cầm quyền, đây chính là cuộc cạnh tranh ngôi vị, vì thế, đó là cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài, sẽ có lúc trầm, lúc bổng, nhưng chắc chắn sẽ kéo dài. Tuy nhiên, "cuộc chiến" này lại có điều khác trước, là sẽ không triệt tiêu nhau".

"Trong cuộc cạnh tranh này, với chính quyền Trump, biện pháp đầu tiên họ sử dụng là đánh vào thuế quan. Và câu hỏi đặt ra, là họ đánh vào nhau vậy có khi nào họ đánh vào mình?"

"Về câu chuyện Việt Nam với khu vực, khi xu hướng bảo hộ tăng thì khu vực này vẫn thuận lợi, nhưng có điều, giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nước ASEAN không chọn bên nào và vẫn đang chờ đợi".

"Trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, đúng là chúng ta được đánh giá là một trong những đối tác quan trọng, nhưng phía Mỹ cũng chưa làm gì một cách mạnh mẽ trong mối quan hệ của hai bên".

"Trong 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, cả hai phía có những kế hoạch đưa quan hệ lên nhưng dường như chưa thấy rõ sẽ đi lên như thế nào. Vị trí địa chiến lược của Việt Nam đang rất tốt nhưng nếu chỉ cần một hành động tiêu cực nào đó từ phía Mỹ, như hành vi đánh thuế nào đó chẳng hạn, thì vị trí của Việt Nam sẽ ngay lập tức bị giảm nhiều".

"Môi trường cạnh tranh của Việt Nam, Mỹ đã nói rất nhiều, từ an ninh mạng, thương mại số, chúng ta đã làm tốt ở một điểm là tạo ra một kênh để trao đổi với Mỹ nhưng cũng phải chú ý một điều là 2020 Mỹ sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống, theo đó sẽ có khả năng có những thay đổi có thể thay đổi vị trí của Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ và thế giới", ông Vinh bình luận.

Việt Nam so với 5 năm trước đã tốt hơn nhiều
Nhận xét về bức tranh kinh tế năm 2019, TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thứ nhất, chúng ta đang dấy lên niềm hy vọng 2020 sáng sủa hơn, sẽ mở ra một thời kỳ mới.
“Theo tôi kinh tế Việt Nam thời điểm này này so với 5 năm trước đã tốt hơn, những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng giờ từng bị coi là "quả bom nổ chậm" hiện nay đã cực kỳ ổn định”, ông nói.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 21
TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
"Chúng ta đứng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam từng có chu kỳ cứ 5 năm sau tăng trưởng thì sẽ 5 năm chậm lại, nhưng hiện nay vẫn nhiều kỳ vọng giai đoạn tiếp theo 2020 sẽ đổi chiều tăng trưởng, tức là kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Những gì còn băn khoăn sẽ khắc phục được hoặc hạn chế.
“Về xuất khẩu, chúng ta xuất khẩu chủ yếu gia công, không khác được. Nếu tiếp tục xuất khẩu và thu hút đầu tư kiểu này thứ nhất sẽ gây ra hai hậu quả đổ vỡ, thứ hai việc dồn vào một thị trường như Mỹ hay xuất siêu một nơi, nhập siêu một nơi là không ổn”, ông nói thêm.
"Tồn tại lâu nay là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nợ, đe dọa cả nền kinh tế. Tôi e ngại nợ quốc gia, tức là nợ ngoại tệ phải trả hàng năm. 5 năm trước gặp nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn và hiện nay gặp họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng nghẽn ở không tiếp cận ở vốn".
"Những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng với điều kiện phải khơi thông được thể chế và nguồn lực", theo ông Lịch.
Theo ông, năm nay Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 6,8% là sự thận trọng cần thiết. Trong giai đoạn 2011-2015, để kích thích tăng trưởng, Chính phủ đã phát hành 390 nghìn tỷ trái phiếu để giúp thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, chúng ta bị tắc đầu tư công, tắc BOT, tắc BT, điều này sẽ ảnh hưởng tới 2020, 2021.
Theo đó, nếu sang năm 2020 mà chúng ta không “thông” được thì sẽ tắc thêm mấy năm nữa, nên có thể thấy vai trò của đầu tư công ảnh hưởng rất lớn.
Điểm sáng kinh tế Việt Nam vẫn là khối tư nhân
Bà Bùi Kim Thủy hỏi thêm TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế: "Trong bài chia sẻ của ông Lộc và ông Lịch đều nói về vấn đề thuế, ông Lộc đề cập đến 60% doanh nghiệp không phát sinh thuế, trong khi ông Lịch cho biết các hiệp định thương mại tự do làm giảm thuế tại cảng, ông có nhận xét như thế nào?".
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 22
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế
Ông Thành cho biết, chúng ta rất lo khi có hai nguồn thu lớn nhưng những năm gần đây đều giảm, thứ nhất nguồn thu từ dầu thô trong những năm 1990 chiếm tỷ trọng lớn nhưng hiện nay chỉ còn 3-4%. Nguồn thu thứ hai là thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang giảm.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, một nguồn thu rất lớn khác của Việt Nam là thuế từ đất, nhưng hiện nay giảm rất mạnh. Mặc dù thuế thu nhập cá nhân đang tăng, nhưng không thể bù thuế từ đất.
Một điểm nữa là phí. Hiện nay Việt Nam đã có nhiều loại phí, đây cũng là nguồn bù đắp.
Theo ông Thành, điểm sáng của kinh tế Việt Nam vẫn là sự tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân, nhìn về dài hạn.
Ông Trần Du Lịch bổ sung, nêu ra các vấn đề không phải có nghĩa bi quan, mà nêu những vấn đề đang tồn tại, để cùng tìm cách giải quyết. "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, chúng ta không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Chính phủ đang chủ động giải quyết các vấn đề để chúng ta có được một vòng nguyệt quế to lớn hơn trong vòng 5 năm tới", ông Lịch nói.
Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tin 2020 sẽ vui nhiều hơn buồn
Là diễn giả cuối cùng cho ý kiến trong phiên thảo luận đầu tiên, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, trong các ý kiến vừa rồi, ý kiến của ông Tú Anh có vẻ lạc quan nhất.
"Từ góc độ thể chế, tôi thấy rằng năm 2020 có cơ sở để hy vọng, mà đây là hy vọng không phải của tôi mà của các doanh nghiệp Mỹ mà tôi có liên quan. Theo dõi động thái của Đảng, Chính phủ trong vài năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có cơ sở tin rằng năm 2020 sẽ nhiều tin vui hơn tin buồn", ông Thành nói.
“Hy vọng với Việt Nam, 2020 sẽ mở ra một thời kỳ mới” ảnh 23
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
* Diễn đàn kết thúc vào lúc 12:30 cùng ngày, thay mặt Ban tổ chức, Phó Chủ tịch VABO trân trọng cảm ơn sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư..., cảm ơn các nhà tài trợ Egroup, Masan, HDBank, OCB, NamABank, Fiin Credit, Khách sạn Rex, VTV24 và ấn phẩm LOOK, cùng các đơn vị truyền thông ACB, Eximbank, EVN, Habeco, Sacombank, Techcombank, Bảo Việt Bank, Tuấn Minh và Thái Dương.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Đất Xanh

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Tập trung hoàn thiện pháp lý 8 dự án lớn, huy động 3.500 tỷ thông qua chào bán cổ phiếu

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh – ông Lương Trí Thìn cho rằng, thị trường bất động sản năm 2024 đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, Đất Xanh dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị nguồn 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Chat với BizLIVE