Tại văn bản trên, HoREA cho biết, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 63 Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được ưu đãi về tín dụng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về tín dụng đối với chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định trên mà mới triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP theo Công văn số 2380/NHNN-TD ngày 01/04/2023, thường được gọi là gói tín dụng 125.000 tỷ đồng.
Tại gói tín dụng này, chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư được vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay thương mại thông thường và lãi suất này được điều chỉnh theo mỗi chu kỳ 6 tháng một lần; chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư được vay ưu đãi trong thời hạn 3 năm, còn người mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư được vay ưu đãi trong thời hạn 5 năm, sau đó thì phải vay theo lãi suất thỏa thuận, “thả nổi”.
Theo đánh giá của ông Châu, gói tín dụng 125.000 tỷ đồng khá phù hợp với các chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đang vay với lãi suất rất cao, trên dưới 10%/năm. Nhưng hiện nay, do “vướng mắc pháp lý” nên không có dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (mới) hoặc nhiều dự án không thể triển khai thực hiện được dẫn đến không có sản phẩm nhà ở tại các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (mới) nên cho đến nay chưa có chủ đầu tư và người mua nhà nào tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư được vay gói tín dụng 125.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Do đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội bố trí được nguồn vốn ngân sách nhà nước chi trung hạn để thực hiện chính sách ưu đãi về tín dụng đối với chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 63 Luật Nhà ở 2023 thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có nguồn vốn ngân sách hỗ trợ để tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách ưu đãi về tín dụng này.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước quy định chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được vay gói tín dụng 125.000 tỷ đồng trong thời hạn tối đa 5 năm với lãi suất cố định, thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay thương mại thông thường”, ông Châu đề xuất.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay đã có 127 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 61 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào Danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay”, Bộ Xây dựng cho biết.
Tham dự hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau Đề án và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành, NHNN đã kêu gọi và nhận được sự đồng tình của 4 NHTM Nhà nước và đến nay có thêm một NHTM cổ phần nữa tham gia và tổng giá trị gói này là 125.000 tỷ đồng.
Về việc cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định, quy chế cho vay hiện hành, đến nay, trên cơ sở các dự án công bố của các địa phương, các NHTM đã cam kết trên 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên, phần giải ngân mới được gần 700 tỷ đồng.
“Nhà ở thì vay trung dài hạn và phần giải ngân sẽ theo từng năm. Đây là những khoản vay 10 năm, 20 năm, 30 năm thì rõ ràng giải ngân được ít là điều dễ hiểu. Còn nhu cầu vay của các doanh nghiệp để xây dựng nhà ở thu nhập thấp do đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư, giá đất, giao đất, hạ tầng xung quanh…”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.