Lợi nhuận nhiều ngân hàng lập đỉnh lịch sử
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024 với những tín hiệu tích cực.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank (VCB) được nhận định tiếp tục là quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của VCB mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, tính đến hết năm 2024, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt trên 41.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch do NHNN giao.
Đến 31/12/2024, tổng tài sản Vietcombank lần đầu vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện cuối năm 2023.
Còn tại BIDV (BID), Ban lãnh đạo nhà băng này cho biết, tính đến hết 31/12/2024, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều đạt và vượt kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm 2023.
Với kết quả trên, BIDV tạm thời là ngân hàng có lợi nhuận lớn thứ hai hệ thống (chỉ sau Vietcombank) và là mức cao nhất lịch sử của nhà băng này.
Agribank mới đây cũng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế tăng trên 8%. Trước đó, năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 25.525 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 ước tính đạt trên 27.500 tỷ đồng.
Tại VietinBank (CTG), Ban lãnh đạo cũng thông tin rằng lợi nhuận năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trước đó, hồi tháng 10/2024, VietinBank đã công bố chính thức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt mức kỷ lục 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm trước.
Ngoài nhóm Big4, MB (MBB) và Techcombank (TCB) là hai ngân hàng cũng ước tính đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2024.
Theo đó, trong hội nghị với nhà đầu tư, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho biết đến hết năm 2024, tổng thu nhập MB năm 2024 đạt 47.400 tỷ đồng, tăng 21%, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng khoảng 9 - 10%, đạt gần 29.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tín dụng tăng 25%, đạt 766.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 19%, đạt 800.000 tỷ đồng.
Tại Techcombank, hết quý III/2024, lợi nhuận của ngân hàng này đã xấp xỉ tỷ USD với 22.800 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2023 và thực hiện được 84% kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, dù chưa công bố song chắc chắn con số lợi nhuận của Techcombank không khiến các cổ đông và nhà đầu tư thất vọng.
Ngoài nhóm ngân hàng lợi nhuận tỷ USD, một số ngân hàng tư nhân khác cũng công bố kết quả kinh doanh trong năm qua với lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Trong đó phải kể đến Ngân hàng LPBank (LPB) với lãi trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thông qua, xác lập kỷ lục lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Đáng chú ý, tổng tài sản của LPBank tại cuối năm 2024 đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng tại ngày 31/12/2024 đạt 331.606 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Sacombank (STB) mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ với lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ đông giao.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản Sacombank ước đạt trên 29 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Huy động vốn và dư nợ tín dụng ước đạt lần lượt 649 nghìn tỷ đồng và 542 nghìn tỷ đồng, đều tăng 12% so với cùng kỳ.
Tại TPBank (TPB), lãnh đạo ngân hàng cho biết tính đến ngày 30/11/2024, ngân hàng này đã đạt hơn 7.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2024, lợi nhuận sẽ tăng 34% so với năm 2023 nhờ tín dụng tăng 17%, vượt xa mức trung bình ngành.
3 yếu tố chính tác động đến lợi nhuận ngân hàng năm 2025
Theo nhận định của giới phân tích, lợi nhuận ngân hàng năm qua tăng trưởng nhờ tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Số liệu của NHNN cho thấy, đến hết năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%, trong khi nửa đầu năm mới chỉ đạt mức 6%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 được NHNN đặt ra ở mức 16% và dự báo nhu cầu sẽ cải thiện khi thị trường bất động sản dần hồi phục, tác động lên lợi nhuận của các ngân hàng.
Nhiều chuyên gia nhận định, tín dụng, NIM (biên lãi ròng) và chất lượng tài sản là 3 yếu tố có tác động mạnh nhất tới ngân hàng năm 2025.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, NIM sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường hai. Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất đầu ra cũng không còn nhiều, giúp hỗ trợ NIM.
Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.
Theo VCBS, các ngân hàng tư nhân có thể mạnh về bán lẻ và CASA sẽ có khả năng mở rộng NIM nhiều nhất. Trong bối cảnh NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14 - 15%, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 15% vào năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn sẽ chứng kiến lợi nhuận đi lên chỉ khiêm tốn 8%.