Giá dầu biến động mạnh trong năm 2022, giá dầu tăng bởi nguồn cung hạn chế trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, sau đó giá dầu giảm sâu bởi nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi, đồng thời những nỗi lo về khả năng kinh tế suy giảm ngày một lớn dần. Đến phiên ngày thứ Sáu, giá dầu tăng và khép lại năm tăng thứ 2 liên tiếp.
Trong tháng 3/2022, giá dầu tăng bởi căng thẳng Nga – Ukraine gây tổn hại đến hoạt động vận chuyển dầu trên toàn cầu, giá dầu Brent chạm mức cao 139,13USD/thùng, cao nhất tính từ năm 2008. Giá hạ nhiệt nhanh chóng trong nửa sau năm 2022 khi mà nhiều ngân hàng lớn trên thế giới nâng lãi suất, nỗi lo suy thoái leo thang.
“Năm vừa qua là một năm biến động rất mạnh với thị trường hàng hóa, rủi ro nguồn cung dẫn đến biến động tăng cao và giá cả tăng mạnh. Năm tới chắc chắn sẽ là một năm có nhiều biến động”, chuyên gia phân tích tại quỹ ING – bà Ewa Manthey phân tích.
Trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022, giá dầu Brent đóng cửa ở mức 85,91USD/thùng, tăng gần 3% trong phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đóng cửa ở mức 80,26USD/thùng, tăng 1,86USD/thùng tương đương 2,4%.
Trong cả năm nay, giá dầu Brent tăng khoảng 10% sau khi tăng khoảng 50% trong năm 2021. Giá dầu thô tại Mỹ tăng gần 7% trong năm 2022 sau khi tăng đến 55% trong năm trước. Cả hai loại giá dầu này giảm sâu trong năm 2020 khi mà đại dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.
Trong năm 2023, nhà đầu tư dự kiến sẽ cần phải giữ quan điểm thận trọng với khả năng nâng lãi suất và những đợt suy thoái kinh tế.
“Nhu cầu và tăng trưởng nhu cầu dự kiến sẽ là một dấu hỏi bởi xét đến động thái của các ngân hàng trung ương toàn cầu và sự suy giảm của nền kinh tế mà họ đang cố gắng điều hướng”, chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC ở New York – ông John Kilfuff phân tích.
Kết quả khảo sát 30 chuyên gia kinh tế và chuyên gia phân tích cho thấy giá dầu Brent sẽ đứng ở mức trung bình 89,37USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn khoảng 4,6% so với đồng thuận từng được nhắc đến trong khảo sát vào tháng 11/2022. Giá dầu thô tại Mỹ được dự báo sẽ ở mức trung bình khoảng 84,84USD/thùng trong năm 2023, giảm so với trước đó.
Khi mà hoạt động đi lại ở thời điểm cuối năm tăng lên và quy định cấm dầu thô cũng như các sản phẩm dầu của Nga hỗ trợ cho giá dầu, nguồn cung hạn chế hơn vào năm sau sẽ được bù đắp bởi việc tiêu thụ nhiên liệu đi xuống trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ngày một khó khăn hơn, chuyên gia phân tích tại quỹ CMC Markets – ông Leon Li phân tích.
Sự suy giảm của giá dầu trong nửa sau năm 2022 diễn ra trong bối cảnh lãi suất được điều chỉnh tăng cao để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến cho giá cả của các loại hàng hóa được tính theo đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Chính sách không COVID-19 của Trung Quốc, mới được nới lỏng trong tháng này, đã làm suy giảm nhu cầu dầu trước đó. Trong năm 2022, nhu cầu tại đất nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới giảm sâu nhất trong nhiều năm.
Dù rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ hồi phục vào năm 2023, việc số lượng các ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc tăng vọt đã làm giảm đi hy vọng hoạt động mua dầu sẽ hồi phục trở lại.
Một chỉ báo mới nhất về nguồn cung tương lai cho thấy số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tại Mỹ tăng 33% trong năm nay, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes công bố trong báo cáo mới nhất.