Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua một luật mới vào ngày thứ Ba theo đó cấm cung cấp dầu cho những nước tham gia vào chế độ áp trần giá cả với dầu Nga và các sản phẩm xăng dầu, theo công bố trên website của điện Kremlin, động thái này theo nhiều chuyên gia đánh giá chỉ mang tính biểu tượng.
Vào đầu tháng này, chính phủ các nước phương Tây đã áp dụng biện pháp giá trần với dầu và các sản phẩm xăng dầu của Nga ở mức khoảng 60USD/thùng. Chính sách mới này nhắm đến việc hạn chế nốt nhóm khách hàng còn lại này của Nga. Quy định mới này được áp dụng với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải, bảo hiểm và các dịch vụ khác cho dầu Nga. Châu Âu đồng thời cũng cấp nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.
Mỹ, Canada, EU, Nhật, Anh và Australia đã đồng thuận với chính sách áp trần giá dầu. Mỹ và Canada đã cấm nhập khẩu dầu Nga.
Xét đến quy định cấm trên quy mô lớn như vậy, chính sách mới của điện Kremlin có thể sẽ không có mấy ảnh hưởng. Thị trường dầu không quá chịu ảnh hưởng bởi quyết định mới nhất từ Kremlin. Giá dầu Mỹ vượt mức 80USD/thùng còn giá dầu Brent giao dịch ở ngưỡng khoảng 86USD/thùng.
“Việc cung dầu và các sản phẩm dầu của Nga cho các bên doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài bị cấm bởi xét đến hợp đồng của các hoạt động cung cấp này trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ giúp cho việc sử dụng cơ chế áp trần giá dầu. Quy định cấm này cấm tất cả các giai đoạn cung cấp đến bên mua cuối cùng”, ông Putin nhấn mạnh.
Quy định cấp cung cấp dầu dưới mức giá trần của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và dự kiến sẽ có hiệu lực cho đến ngày 1/7/2023. Các thời điểm của quy định cấm này dự kiến sẽ được quyết định bởi chính phủ Nga.
Hiện chưa biết quyết định của Nga sẽ ảnh hưởng ra sao đến thị trường thế giới, tuy nhiên khả năng thế giới thiếu năng lượng đã được phía Nga cảnh báo trước đó.
Theo TTXVN, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây nhận định thế giới đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong 5 - 10 năm tới do các công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây ít đầu tư trong lĩnh vực này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngày 24/12, ông Novak nêu rõ do thận trọng trước các động thái của chính phủ, nhiều công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây đã quyết định sử dụng vốn để chia cổ tức thay vì đầu tư. Hệ quả của việc suy giảm đầu tư là trong tương lai, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không có đủ nguồn lực năng lượng và thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt và một đợt khủng hoảng mới.
Ông nhấn mạnh trong 5 - 10 năm tới, thế giới sẽ đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và châu Âu sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng. Ông Novak cũng cảnh báo việc các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới và triển khai các biện pháp điều tiết thị trường sẽ không đem lai lợi ích kinh tế và sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong dài hạn.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong cuộc phỏng vấn trên, Phó Thủ tướng Novak cũng khẳng định các nguồn năng lượng của Nga là không thể thay thế và không thể bị cắt khỏi thị trường quốc tế. Ông nói: "Rõ ràng, việc tiêu thụ các nguồn năng lượng sẽ chỉ tăng lên trong tương lai, vì vậy tôi không thể tưởng tượng nền kinh tế thế giới sẽ xoay sở như thế nào nếu không có các nguồn năng lượng của Nga". Theo ông Novak, Nga là đóng vai trò lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng khi đóng góp 20% xuất khẩu khí đốt của thế giới, hơn 20% dầu mỏ, và là nhà cung cấp than lớn thứ ba trên thế giới.
Trước đó, EU đã công bố gói trừng phạt thứ 9 trong năm nay nhằm vào Nga. Gói trừng phạt gồm "danh sách đen" tăng thêm 141 người và 49 pháp nhân, triển khai thủ tục tước quyền phát sóng của 4 kênh truyền hình Nga ở EU, các biện pháp hạn chế 3 ngân hàng của Nga cũng như một số lệnh cấm xuất khẩu. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết với vòng trừng phạt thứ 9 có hiệu lực, "danh sách đen" của EU đối với Nga đã tăng lên 1.386 cá nhân và 171 tổ chức.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova ngày 17/12 khẳng định gói trừng phạt mới sẽ có tác dụng giống như tất cả các biện pháp trước đó - là làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế - xã hội trong chính EU. Trong khi đó, phái bộ thường trực của Nga tại EU cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng gói trừng phạt thứ 9 "sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân châu Âu".