Phiên giao dịch ngày thứ Ba trên thị trường New York, giá dầu sụt hơn 5% bởi những nỗi lo về nền kinh tế khi mà giới chức Mỹ đang phải tính đến những cách ngăn khả năng vỡ nợ, đồng thời nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng có thêm các đợt nâng lãi suất trong tuần này.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 3,99USD/thùng tương đương 5% xuống 75,32USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai hạ 4USD/thùng tương đương 5,3% xuống 71,66USD/thùng.
Đây là ngưỡng đóng cửa thấp nhất của cả hai loại giá dầu tính từ ngày 24/3/2023, đồng thời nó cũng là phiên hạ sâu nhất của giá dầu tính từ đầu tháng 1/2023.
Giá dầu và các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán phố Wall đều giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng chính phủ Mỹ sẽ có thể hết tiền trong vòng 1 tháng.
Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không đàm phán về vấn đề trần nợ trong cuộc gặp của ông với 4 chính trị gia trong Quốc hội Mỹ vào ngày 9/5/2023, tuy nhiên ông sẽ bàn thảo đến việc khởi động quá trình đàm phán ngân sách riêng biệt.
Số lượng việc làm mới tại Mỹ tháng 3/2023 giảm đến tháng thứ 3 liên tiếp, số lượng người Mỹ bị sa thải lên ngưỡng cao nhất trong hơn 2 năm, thực tế này cho thấy sự chững lại trên thị trường lao động đang diễn ra, vì vậy Fed sẽ có thể phần nào “hãm phanh” trong cuộc chiến lạm phát.
“Kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục diễn biến theo hướng nhiều khả năng sẽ trải qua suy thoái trong năm nay”, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Barclays cảnh báo.
Chuyên gia tại Barclays chỉ ra: “Lĩnh vực sản xuất Mỹ đang suy giảm mạnh, người tiêu dùng chật vật. Hiện đang có quá nhiều dấu hiệu rạn nứt trên thị trường lao động”, chuyên gia tại Barclays nhận xét.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ chờ đợi diễn biến thị trường sau những đợt nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Dự kiến sẽ có thêm những đợt nâng lãi suất, tuy nhiên điều này có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày thứ Tư.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách thường kỳ vào ngày thứ Năm.
Những nỗi lo về nhu cầu dầu diesel trong những tháng gần đây, trong khi đó, đã gây áp lực lên giá dầu đốt nóng tại Mỹ, loại dầu này đã rớt xuống ngưỡng thấp nhất tính từ tháng 12/2021.
Chuyên gia phân tích cao cấp trên thị trường năng lượng tại quỹ OANDA, ông Edward Moya, nhận xét: “Nhìn chung về cơ bản, giá dầu chịu nhiều ảnh hưởng từ triển vọng xấu đi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm Trung Quốc và Mỹ. Nếu triển vọng vĩ mô tiếp tục bi quan hơn nữa, hoạt động bán mạnh trên thị trường năng lượng sẽ có thể khiến cho giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng 70USD/thùng”.
Trong cuối tuần qua, số liệu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho thấy hoạt động sản xuất bất ngờ sụt giảm trong tháng 4/2023, đây cũng là tháng suy giảm đầu tiên của giá dầu tính từ tháng 12/2022.
Còn nếu nhìn từ góc độ nguồn cung, sản lượng dầu của Iran vượt mức 3 triệu thùng/ngày, theo Bộ trưởng Năng lượng Iran công bố. Iran vốn đã phải chịu quy định trừng phạt từ Mỹ suốt từ năm 2018. Trong năm 2021, Iran sản xuất trung bình 2,4 triệu thùng dầu/ngày.
Cho đến nay, thị trường đã không còn chịu tác động từ quyết định hạ sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ngoài ra cũng không chịu ảnh hưởng từ các quyết định của phương Tây bởi các biện pháp trừng phạt áp dụng với Nga và Iran không phát huy tác dụng, hai nước này vẫn tiếp tục bán được dầu bằng nhiều hình thức.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ được kỳ vọng đã giảm đến tuần thứ 3, mức hạ ghi nhận 1,1 triệu thùng trong tuần gần nhất.