Ngày 14/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Sau nhiều năm ngân hàng mới tiến hành đại hội thành công ngay lần đầu.
Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022.
Eximbank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ đạt tổng tài sản 210.000 tỷ đồng, mở rộng 13,5% so với đầu năm. Huy động vốn (tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá) đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 11%. Dư nợ tín dụng (cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 146.600 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,6%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ngân hàng là 3.709 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của năm 2022 là 2.304 tỷ đồng.
Hiện nay, sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 thì vốn điều lệ của Eximbank là 14.814 tỷ đồng. Do vậy, ngân hàng cần tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Eximbank dự kiến phát hành hơn 265 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18%. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng.
Lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức hơn 125 tỷ đồng được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính ngân hàng.
Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Chia sẻ với cổ đông, Tổng giám đốc Eximbank - ông Trần Tấn Lộc cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lộc cho biết ngân hàng có cơ sở đặt kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm 2032 tăng gần 35% so với năm trước.
“Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng được ngân hàng tính toán kỹ, cũng đã dự đoán tình hình kinh tế khó khăn và đã có phương án thực hiện tối thiểu mức lợi nhuận này”, ông Lộc nói.
Theo bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Eximbank trong nhiệm kỳ VII, ngân hàng đã tái cấu trúc mạnh mẽ. Năm 2023 sẽ đi sâu vào xử lý nhân sự, quy trình, nâng cao hình ảnh và vị thế của Eximbank, tái cơ cấu toàn bộ các mảng và ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch trong năm 2023 và quý 1 đi đúng lộ trình.
Chia sẻ thêm về tiến độ triển khai Trụ sở số 7 Lê Thị Hồng Gấm, bà Tú cho biết, trước đây đã có kế hoạch xây trụ sở tại địa chỉ này, nhưng còn vướng giấy phép, phải xin quy hoạch của TP.HCM và phải được các cấp lãnh đạo TP.HCM thông qua. Đồng thời, phải thiết kế lại mô hình cho phù hợp với công năng của tòa nhà.
“Mô hình trước đây là mô hình xây dựng có cả văn phòng, khách sạn, căn hộ, và không đúng, do đó cần phải cập nhật lại cho đúng với công năng đã được sửa đổi chỉ xây dựng làm văn phòng. Tuy nhiên, phải tuân thủ pháp luật hiện hành khi đã đủ giấy phép. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023”, bà Tú chia sẻ.
Tính đến nay, EIB là một trong số ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh khá tích cực. Cùng nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, MB đang vạch ra kế hoạch lãi 2023 cao nhất với hơn 26.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với 2022. VPBank xếp nhì với mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả đạt được năm trước…
Xét về mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận, EIB xếp sau một số ngân hàng như ABBank đặt mục tiêu lãi tăng 68%, Sacombank 50%, OCB 37%.