El Nino đã xuất hiện
Ngay từ đầu năm 2023, giới phân tích đã đồng thuận trong các dự báo về sự trở lại của El Nino: khô hạn sẽ xuất hiện khiến cho các nhà máy thủy điện không còn thuận lợi sau chu kỳ nước đạt đỉnh trong năm 2022.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tới thời điểm hiện tại, tình trạng nắng nóng khô hạn đã xuất hiện khiến các hồ thủy điện phía Bắc bằng khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm trong khi nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém. Hiện ít nhất đã có 10 hồ thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư khác về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi dự báo hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2023 với xác suất khoảng 70 - 80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Như vậy, hiện tượng El Nino đã xuất hiện tác động ngay vào hoạt động của các doanh nghiệp ngành Điện dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng. Theo EVN, ngày 06/5/2023, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần và ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới xấp xỉ 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Với tình trạng này, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải tăng cường huy động dù không phải là nguồn phát được ưu tiên.
Chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, Bộ Công Thương cùng EVN liên tục có các buổi làm việc với các nhà cung cấp nhiên liệu là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc để đảm bảo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.
Miền Bắc thiếu điện, các cổ phiếu Nhiệt điện đã vào sóng?
Nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc có mức tăng trưởng cao hơn so với trung bình cả nước nên tình trạng thiếu điện tại miền Bắc sẽ căng thẳng hơn.
Trong khi sản lượng điện miền Bắc đến từ 2 nhóm điện chính là thủy điện và nhiệt điện nên nhiệt điện than sẽ được huy động cao hơn để bắt kịp nhu cầu.
Hiện trên 3 sàn đang có các doanh nghiệp nhiệt điện ở miền Bắc là QTP, HND, PPC, DTK, NBP cùng với đó là 2 ông lớn POW và PGV cũng có nhà máy điện than ở miền Bắc.
Trong số này thì QTP, HND, PPC và POW và PGV là những cổ phiếu thanh khoản và các cổ phiếu này đều đã lấy lại xu hướng tăng dài hạn cùng với thành tích tăng giá tốt hơn hơn so với VN-Index (từ đầu năm cho đến hết phiên 18/5,chỉ số tăng được hơn 6%).
Một số doanh nghiệp có nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc.
Nhìn chung, các cổ phiếu Nhiệt điện than đều thể hiện khá tốt và vẫn còn cơ hội đi tiếp trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây có thể sẽ một quá trình không dễ dàng bởi ngoài câu chuyện huy động phát điện thì các doanh nghiệp trong ngành cũng cần phải đảm bảo được nguồn cung than cùng với khả năng vận hành ổn định trong mùa nắng nóng.
Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong các tháng 5,6,7 sẽ là 14,77 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 7,17 triệu tấn than. Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với TKV và TCT Đông Bắc mới có 6,59 triệu tấn.
Cùng với đó, sự cố kéo dài của một số tổ máy của Nhà máy điện Phả Lại, Vũng Áng cũng cần được lưu ý.