Công ty Chứng khoán DSC mới phát hành báo cáo chiến lược đầu tư tháng 7/2023 với tựa đề “Lạc quan, dừng hưng phấn”. Tại báo cáo, các chuyên gia của DSC đưa ra khuyến nghị chiến lược giao dịch tìm điểm chốt lời, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội khi điều chỉnh, tránh hưng phấn (FOMO), và giữ tỷ trọng an toàn.
“Chúng tôi đánh giá tâm lý giao dịch từ trạng thái “hưng phấn – săn cơ hội” sang “thận trọng – tìm điểm mua an toàn”. Độ rộng thị trường phân hóa cao, dòng tiền luân chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (kỳ vọng đã phản ánh vào đà tăng của giá) sang nhóm cổ phiếu có trạng thái tích lũy, xây nền giá; tuy nhiên, nhóm vốn hóa nhỏ này không đủ tỷ trọng dẫn dắt đà tăng chỉ số. Do đó, khi toàn cảnh thị trường đều ở trạng thái đã có nhịp tăng, và vận động dòng tiền của nhóm vốn hóa lớn suy yếu, nhịp điều chỉnh - tái tích lũy của chỉ số chung là cần thiết”, báo cáo nêu.
DSC đưa ra 2 kịch bản là đà hưng phấn sớm kết thúc và tiếp đà tăng điểm hưng phát. Theo đó cho biết, trong giai đoạn điều chỉnh, thị trường không chịu rủi ro giảm quá sâu, và sớm tìm được điểm cân bằng phía trên ngưỡng 1.100 điểm. Bởi chính sách “nới lỏng tiền tệ” đảm bảo cho nhà đầu tư về cơ hội đầu tư trung và dài hạn.
Trong khi đó, ở kịch bản 2, nhịp tăng được xác nhận khi chỉ số quyết liệt vượt lên trên vùng đỉnh ngắn hạn (1.140 điểm) kèm động lượng thanh khoản gia tăng, tên gọi khác là phiên bùng nổ theo đà. Khi đó, mục tiêu chỉ số kỳ vọng tiếp tục hướng lên ngưỡng 1.180-1.200 điểm. Trong kịch bản này, chỉ số VN-Index phải sự tiếp sức của nhóm ngành Ngân hàng, đây là nhóm tương đối gây thất vọng với diễn biến tích lũy kéo dài sau khi đã mở xu hướng tốt trong tháng 5. Luận điểm thu hút dòng tiền quay trở lại ở nhóm này đến từ việc dự báo kết quả kinh doanh quý 2 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng.
DSC đưa ra 2 kịch bản là đà hưng phấn sớm kết thúc và tiếp đà tăng điểm hưng phát
Nhóm chuyên gia của DSC cho biết, khi thị trường đã ở một mức định giá cao hơn, trong khi triển vọng nền kinh tế chưa chắc chắn, DSC ưu tiên vào sự phân hóa (chọn cổ phiếu) hơn là đánh cược vào dư địa tăng của thị trường. “Trong trường hợp nền kinh tế xấu hơn kỳ vọng, các cổ phiếu chu kỳ (đã tăng mạnh thời gian qua) có thể xuất hiện rủi ro. Chúng tôi ưu tiên các cổ phiếu có chất lượng tốt, mô hình kinh doanh ổn định và có bảng cân đối kế toán lành mạnh, không có khoản mục trọng yếu nào ảnh hưởng đến thanh khoản và hoạt động của doanh nghiệp”, báo cáo của DSC nêu.
Danh mục của báo cáo chiến lược của DSC tập trung vào việc đa dạng hoá danh mục, tránh rủi ro tập trung vào 1 nhóm ngành; tập trung vào những cổ phiếu có cơ bản tốt. Nếu kịch bản rung lắc xảy ra cũng sẽ có biên an toàn nhất định; giữ một lượng tiền mặt nhất định (20%), sẵn sàng tham gia trung bình giá xuống khi xảy ra rung lắc. Không mua đuổi cổ phiếu. DSC khuyến nghị tiếp tục nắm giữa ACB, HHV, IDC và mở vị thế với MWG, KDH, SSI, DGC. DSC canh cắt lỗ POW do cổ phiếu vận động kỹ thuật yếu, canh chốt lời VPB, REE do đạt mục tiêu.
Tính đến hết ngày 30/06/2023 (hết quý 2), các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, những con số thống kê trên chưa phản ánh hết độ tích cực của thị trường. Nhiều cổ phiếu đơn lẻ, nhất là những cổ phiếu thuộc nhóm vừa và nhỏ, ghi nhận tỷ suất lợi nhuận cao hơn Index rất nhiều.
Nhìn lại từ vùng đáy dưới 900 năm 2022, thị trường đã có mức hồi phục rất lớn. Không khó để tìm ra các mã Chứng khoán, Thép đã tăng gấp đôi, thậm chí nhiều hơn từ đáy. Nhóm vốn hóa lớn như Ngân hàng cũng không quá khó tìm các mã đã phục hồi trên 50%. Còn đối với nhóm ngành còn nhiều khó khăn như Bất động sản, cũng đã xuất hiện những cơ hội tăng 200-300%. Ở nhiều nhóm ngành khác như Mía đường, Nhựa, Dược… cũng chứng kiến rất nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận lớn.
“Với đà hồi phục mạnh, nhiều cổ phiếu hiện đã neo ở vùng cao so với đáy. Mặt bằng cổ phiếu đã không còn rẻ. Triển vọng nền kinh tế trong năm 2023 lại chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Do đó trong nửa cuối năm 2023, DSC cho rằng việc lọc tìm các cơ hội đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn”, DSC cho biết trong báo cáo.