Doanh nghiệp xuất khẩu - dấu ấn trong “một năm bất thường chưa từng có”

Tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 730 tỷ USD, 36 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 8 ngành hàng vượt 10 tỷ USD,…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là những con số ấn tượng ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế dù hồi phục sau đại dịch nhưng vẫn đối mặt không ít khó khăn.

Sau hơn hai năm chống chịu với đại dịch, năm 2022, các doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn như giá nguyên, nhiên vật liệu và logistics tăng cao; thiếu hụt linh kiện lắp ráp; khó khăn về vốn, tài chính; thiếu hụt lao động…

Trên thế giới, rủi ro, bất ổn vẫn đan xen, dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét, đặc biệt vấn đề lạm phát tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của nhiều nền kinh tế khiến tổng cầu suy giảm tác động đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.

Thế nhưng, chính trong bối cảnh đó, vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm 2022 của Việt Nam lập kỷ lục 730 tỷ USD với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 8 ngành hàng vượt 10 tỷ USD; cán cân thương mại xuất siêu 11,2 tỷ USD, góp phần giảm bớt áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại tệ.

Kết quả này phần nào phản ánh sự linh hoạt, chủ động vượt khó đi lên trong tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường và nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

“Quả ngọt” từ nỗ lực vượt khó

Trong nhóm ngành xuất khẩu "10 tỷ USD", ngành thuỷ sản được đánh giá là bứt phá ấn tượng nhất khi chỉ cần 11 tháng đã đạt tổng kim ngạch 10 tỷ USD và cả năm 2022 đạt gần 11 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm trên 7% thị phần toàn cầu.

Bên cạnh đó, một số nhóm ngành xuất khẩu “10 tỷ USD” khác như gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng ô tô… cũng tạo dấu ấn rõ nét trong năm 2022.

Những thành tích xuất khẩu ấn tượng này cũng đã giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu đạt nhiều khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh dù bối cảnh chung phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.

Điển hình, trong nhóm thủy sản, tính đến hết tháng 11, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn đã đạt tổng doanh thu xuất khẩu 12.740 tỷ đồng, gần sát với mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng của cả năm. Tính đến hết quý 3, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đã đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ và đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận 1.600 tỷ đồng của cả năm 2022.

Hay ở nhóm gỗ và sản phẩm từ gỗ, sau 11 tháng CTCP Gỗ An Cường đã đạt doanh thu thuần 3.950 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 553 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 45,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sau 11 tháng, doanh nghiệp đã đạt 93% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 (đạt 550 tỷ đồng). Theo lãnh đạo doanh nghiệp, năm 2022, gần như chắc chắn lợi nhuận của Gỗ An Cường sẽ đạt 600 tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2021.

Năm 2022 cũng được xem là năm “thăng hoa” của các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón, hóa chất dù doanh thu, lợi nhuận gần như đã đi qua đỉnh sau quý 2. Tiêu biểu như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ), với kỷ lục doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt gần 20.000 tỷ đồng và hơn 6.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2021.

Tương tự, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cũng ước tính tổng doanh thu năm 2022 đạt hơn 15.000 tỷ đồng - con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi hoạt động. Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh đã khiến Đạm Cà Mau điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 vào “phút chót” với tổng doanh thu hợp nhất cả năm tăng thêm 60%, lên 14.525 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 7 lần kế hoạch cũ, lên 3.661 tỷ đồng.

Hơn 15.000 tỷ đồng cũng là con số doanh thu kỷ lục mà CTCP Hoá chất Đức Giang đạt được trong năm 2022. Sau 7 quý tăng trưởng bứt tốc (từ quý 3/2020) và lập đỉnh lợi nhuận trong quý 2/2022, lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang có dấu hiệu giảm tốc trong quý 3 và quý 4 song vẫn dư khả năng đạt mức kỷ lục trên 5.000 tỷ đồng bởi sau 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế của công ty đã đạt 4.917 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm.

Năm 2022 với những diễn biến leo thang của giá năng lượng, thị trường xăng dầu trong nước đã có những biến động mạnh song không thể phủ nhận việc giá năng lượng tăng đã giúp cho giá trị xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 32,8% so với năm 2021 dù sản lượng xuất khẩu giảm 11,5%.

Nhờ đó, doanh thu cả năm 2022 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ước tính đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự báo tăng trưởng rất cao so với 2021. Những doanh nghiệp thành viên của PVN như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVGas, PV Power, PV Drilling, PVChem, PVTrans cũng ước tính kết quả kinh doanh tăng trưởng hai chữ số so với năm ngoái.

Với vai trò là ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, năm 2022 ngành dệt may tiếp tục mang về gần 37,5 tỷ USD từ xuất khẩu, tăng 14,5% so với năm 2021. Qua đó, giúp kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành đạt mức tăng trưởng khá.

Trong đó, “anh cả” của ngành dệt may là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính doanh thu hợp nhất đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.

Thách thức vẫn ở phía trước

Tuy xuất khẩu đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 song những khó khăn cũng bắt đầu bộc lộ từ giữa quý 3 khi lạm phát tại những thị trường chủ lực như Mỹ và khu vực EU lên mức cao kỷ lục nhiều thập kỷ khiến tổng cầu suy giảm ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhìn lại hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex đánh giá “năm 2022 là năm trải nghiệm đặc biệt với những người làm dệt may khi chứng kiến thị trường nửa năm đầu tăng trưởng “quá nóng”, cuối năm lại rơi vào tình trạng “nguội lạnh”.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 15 năm trở lại đây với mức tăng 35-40% nhưng bước sang hai quý cuối năm đơn hàng quay đầu sụt giảm mạnh, có doanh nghiệp giảm tới 70-80% đơn hàng.

“Một năm bất thường chưa từng có. Với 25 năm hoạt động trong ngành, chưa bao giờ tôi thấy chỉ trong một tháng mọi tín hiệu thị trường xoay chiều, khác biệt đến vậy”, ông Trường nhìn nhận và cho biết do triển vọng thị trường chưa có xu hướng đi lên, nên ít nhất quý 1/2023 vẫn chưa khả quan.

Dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước chứng kiến nửa năm đầu tăng trưởng “quá nóng”, cuối năm lại rơi vào tình trạng “nguội lạnh” (Ảnh minh họa)
Dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước chứng kiến nửa năm đầu tăng trưởng “quá nóng”, cuối năm lại rơi vào tình trạng “nguội lạnh” (Ảnh minh họa)

Bức tranh tăng trưởng với hai gam màu sáng - tối tương ứng với nửa đầu năm và nửa cuối năm của ngành dệt may cũng là bối cảnh chung của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2022. Đặc biệt khi tổng cầu thế giới dự kiến tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2023, triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu chưa thể nhìn thấy nhiều cửa sáng.

Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán VNDirect, giá nguyên vật liệu đầu vào như sợi, vải, gỗ ép sẽ giảm 3%-7% so với cùng kỳ trong năm 2023 do nhu cầu yếu. Với những thách thức phía trước, VNDirect cho rằng các công ty dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ phải giảm giá bán (7-10%) để thu hút thêm khách hàng. Do đó, biên lợi nhuận của các công ty trong ngành sẽ giảm 0,8-1% trong năm 2023.

Trong khi đó, VNDirect lại kỳ vọng biên lợi nhuận của các công ty hóa chất cơ bản vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2023 trước khi giảm dần trong nửa cuối năm do nhu cầu về điện tử và nhôm yếu hơn. Do đó, biên lợi nhuận của lĩnh vực này sẽ giảm 1,5 -2,5% vào năm 2023.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong bối cảnh nền kinh tế dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Để phát huy vai trò là một trong những “đầu tàu” tăng trưởng, đồng thời duy trì kết quả kinh doanh tích cực, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần hướng đến việc đa dạng hóa các thị trường, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ các FTA cũng như việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị nguồn lực về tài chính và nhất là giữ chân đội ngũ lao động lành nghề để khi các đơn hàng quay trở lại thì có thể nắm bắt được ngay như lời Chủ tịch Vinatex nói gần đây: “Nhu cầu có thể quay lại nhanh hoặc chậm. Nhưng đã quay lại thì phải làm sao để mình có thể là người quay lại đầu tiên. Làm sao để sóng phục hồi đến với mình trước tiên”.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Trên thực tế nhà ở riêng lẻ và chung cư trong khu vực trung tâm đều không còn nguồn hàng. (Ảnh: MarketTimes).

Bất động sản riêng lẻ và đất nền có thật sự tồn kho?

Bộ Xây dựng công bố lượng tồn kho tại các dự án trong quý I năm nay chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền. Tuy nhiên, một số đơn vị nghiên cứu cho rằng đất nền và nhà ở riêng lẻ đã trở lại sôi động hơn so với quý 4/2023.

Chat với BizLIVE