Năm 2024 đánh dấu tròn 50 năm ASEAN và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao (1974-2024). Để kỷ niệm sự kiện này, hồi tháng 3/2024, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia đã được tổ chức tại Melbourne, Australia với chủ đề “Đối tác cho tương lai”.
Đến cuối tháng 8 vừa qua, Diễn đàn Kinh doanh Australia – ASEAN tiếp tục được tổ chức. Tại diễn đàn lãnh đạo các chính phủ và doanh nghiệp từ Australia và khu vực Đông Nam Á đã gặp gỡ, thảo luận về những cơ hội hợp tác giữa Australia với một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Hành lang kinh tế Australia - Đông Nam Á ngày càng có ý nghĩa quan trọng
Ông Antony Shaw, Tổng Giám đốc HSBC Australia và New Zealand đánh giá việc Diễn đàn Kinh doanh Australia - ASEAN diễn ra ngay sau sự kiện mang tính lịch sử - Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia cho thấy tham vọng của Chính phủ Australia về vai trò của họ tại Đông Nam Á phù hợp với mong muốn kết nối với khu vực này của cộng đồng doanh nghiệp.
Với Australia, theo ông Antony Shaw, một hành lang kinh tế vững mạnh và năng động với Đông Nam Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong quá khứ, Australia từng bị cô lập với các trung tâm kinh tế lớn của thế giới và chỉ dựa vào lực lượng dân số khá ít ỏi để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng hiện nay, tình thế đã thay đổi.
Australia chỉ cách 500 km so với Đông Nam Á, khu vực sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu vào cuối thập niên này, nhờ cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng nhanh, với thị trường tiêu dùng đạt giá trị 4.000 tỷ USD vào năm 2030, ứng dụng các công nghệ số và những lĩnh vực kinh tế mới. Trong đó, hành lang kinh tế giữa Australia và Việt Nam là một trong những mối quan hệ hợp tác quan trọng trong khu vực.
Đầu năm nay, Australia và Việt Nam - quốc gia được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN năm nay theo Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC - vừa nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện. Động thái này nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược và kinh tế giữa 2 đất nước, sẽ giúp tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh trong những năm tới.
“Đông Nam Á đã trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với nhiều công ty công nghệ và kinh tế mới. Nền kinh tế số của khu vực này có thể đạt giá trị 600 tỷ USD trong vòng 6 năm tiếp theo”, ông Antony Shaw nhìn nhận.
Đáng chú ý, trong mức tăng trưởng nhanh của nền kinh tế số khu vực ASEAN, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong hai năm liên tiếp, và được dự báo sẽ tăng 11 lần, đạt giá trị 220 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 giá trị toàn khu vực. Nhờ lực lượng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ giữ vững vị thế này trong năm tới.
Cũng theo chuyên gia của HSBC, song song với sức mạnh tiêu dùng đang lớn mạnh, Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ các xu hướng địa chính trị dài hạn như việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Australia đã có sự thay đổi trong quan điểm. Hiện nay, hơn bao giờ hết, họ hiểu rõ vị thế toàn cầu đang gia tăng của các quốc gia láng giềng này đóng vai trò quan trọng như thế nào trong tham vọng tăng trưởng của mình", ông Antony Shaw nhận định và cho biết lộ trình phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp đã rõ ràng, giờ là lúc hành động.
Hơn thế nữa, kết nối của Australia với các cộng đồng doanh nghiệp tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã được hình thành từ nhiều năm và vấn đề đặt ra với doanh nghiệp Australia không còn là có nên tiến vào thị trường ASEAN hay không, mà là làm điều đó như thế nào.
Cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
Theo ông Tim Evans, để tiến sâu vào thị trường ASEAN, có một số đòn bẩy mà cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia phải và có thể sử dụng.
Đầu tiên, không thể chỉ nhìn vào số liệu thống kê của Đông Nam Á mà cần đi sâu hơn tìm hiểu cơ hội ở từng quốc gia. Một yếu tố cần xem xét đến là số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Việt Nam hiện có 16 FTA đang có hiệu lực với đa dạng các quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới, cùng với ba FTA đang trong quá trình đàm phán.
Trong cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines, cả 2 quốc gia đều hướng đến tăng cường quan hệ đối tác kinh tế, với trọng tâm đạt 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong 3 năm tới. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại hai chiều lớn thứ 14 của Australia và doanh nghiệp Australia phải năng động, nắm bắt các cơ hội này.
Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp Australia cần có chiến lược phù hợp để thâm nhập thị trường thành công. Không gì có thể thay thế bằng việc trực tiếp đi thực địa để hiểu về thị trường Việt Nam, cũng như bày tỏ ý định hợp tác với các đối tác tiềm năng tại địa phương.
Bên cạnh thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp tạo sức hút thương mại. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Australia hiện đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào hơn 600 dự án tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đầu tư 584 triệu USD vào Australia. Cả 2 quốc gia đã đồng thuận sẽ tăng mức đầu tư song phương lên gấp đôi trong 3 năm tiếp theo. Đây chắc chắn là lĩnh vực mà Australia có thể mang lại giá trị đặc thù.
“Khi dân số tăng trưởng, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cần chi tiêu nhiều hơn để xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng để phục vụ người dân”, ông Tim Evans nhận định và cho biết, nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực ASEAN vẫn còn thiếu 3.000 tỷ USD.
Theo đó, từ nay đến năm 2040, trung bình hàng năm ASEAN cần chi tiêu 210 tỷ USD để giải quyết sự thiếu hụt này. Trong đó, Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tức là cần huy động tổng cộng khoảng 600 tỷ USD tới năm 2040. Ngoài ra, theo Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam cần hơn 200 tỷ USD để nâng cấp giao thông công cộng và hệ thống hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn cho đến năm 2030.
Trong khi đó, ông Antony Shaw cho hay quỹ tiết kiệm hưu trí trị giá 3.900 tỷ đô Úc của Australia đang đối mặt với một thách thức khó khăn là chưa tìm được các dự án đầu tư đủ lớn để đảm bảo triển khai vốn, mà các ưu tiên gọi vốn của Đông Nam Á trong các lĩnh vực giao thông, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và trung tâm dữ liệu lại hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ đầu tư của Australia.
Tuy nhiên, ông Antony Shaw cho rằng rót vốn vào các dự án mới trong khu vực ASEAN khá là phức tạp đối với các quỹ hưu trí tại Australia, do một số rủi ro liên quan đến quy định, xây dựng, đất đai và nhu cầu khách hàng.
Do đó, sự hỗ trợ từ các chính phủ là vô cùng quan trọng. Quỹ tài trợ Đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ đô Úc của Chính phủ Australia sẽ giúp giải quyết một số thách thức mà các tổ chức đầu tư Australia phải đối mặt, cũng như đảm bảo đầu tư vào các dự án ASEAN.
Thực tế, thời gian qua một phần trong cách tiếp cận mới của Chính phủ Australia đối với hợp tác kinh tế Đông Nam Á đã được thực hiện thông qua việc thành lập một trung tâm của nhóm giao dịch đầu tư tại TP.HCM đầu năm 2024 nhằm tìm kiếm và tạo điều kiện cho đầu tư Australia vào Việt Nam. Nếu thực hiện tốt, hiệu quả thương mại sẽ rất đáng kể.
"Các công ty Australia trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ chuyên nghiệp, kỹ thuật và hậu cần (logistics) sẽ tự tin tiến vào Đông Nam Á, xây dựng chuỗi cung ứng xung quanh các khoản đầu tư tài sản của nhiều thế hệ trị giá hàng tỷ đô la", ông Antony Shaw nói và khẳng định đây không chỉ là ý tưởng bởi Australia đã có kinh nghiệm từ những chiến lược đầu tư trong quá khứ tại các thị trường Mỹ, Anh, Canada và đã giúp thúc đẩy đầu tư kinh doanh rộng rãi hơn ở các thị trường này.