Định vị thị trường
Tính tới phiên hôm qua, VN-Index đã tăng 4,7% kể từ đầu năm 2023. Xu hướng giao dịch của VN-Index mới chỉ trở lại xu hướng tăng ngắn hạn nhưng vẫn còn cách khá xa đường MA200 nằm gần khu vực 1.200 điểm.
Trong khi đó, xu hướng của các chỉ số chứng khoán châu Á là chinh phục lại MA200 với các chỉ số tiên phong là Hang Seng và SET. Hiện cả 2 chỉ số này đều đã lấy lại xu hướng tăng dài hạn. Chỉ số chứng khoán Đài Loan là TWSE hiện cũng tiệm cận đường MA200.
Chất xúc tác
Hiện vận động của VN-Index đang phụ thuộc vào tiền ngoại thay vì có sự chủ động của tiền nội. Giá trị mua ròng lũy kế của khối này tính đến hết phiên hôm qua đã đạt hơn 2.100 tỷ đồng.
Điểm đến ưa thích của tiền ngoại vẫn chủ yếu là các cổ phiếu VN30 hoặc luân chuyển sang rổ VNFINLEAD, VNDIAMOND. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, quỹ iShare là quỹ ngoại nhận được nhiều tiền nhất, gần 45 triệu USD. Kế đến là Van Eck, FUEVFVND và FTSE Vietnam.
Nguồn BSC.Các diễn biến trên sàn của các cổ phiếu đều thể hiện rõ sự tác động của tiền ngoại. Ở phiên hôm qua, VCB và BID với những hoạt động mua bán trái chiều của khối ngoại đã tạo ra rung lắc nhẹ lên chỉ số.
Ngoài ra, theo nhận định của CTCK MBS, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng đến các cổ phiếu Bluechips khi báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 sẽ được công bố nhiều hơn trong tuần này.
Bên cạnh đó, cũng cần phải chú ý đến việc thị trường đang ở tuần trước đáo hạn phái sinh. Vào thứ Năm tuần sau ngày 19/1, HĐTL VN30 tháng 1/2023 sẽ đáo hạn nên các diễn biến của nhóm VN30 sẽ có nhiều xáo trộn tác động vào vận động chung của thị trường.
Vận động nhóm ngành
Xét về xu hướng, nhóm Ngân hàng đang là nhóm có sự tích cực nhất số lượng khá đông các cổ phiếu trở lại xu hướng tăng dài hạn như VCB, BID, CTG, STB, LPB. Ngoài ra cũng cần phải nhắc tới VNM và VRE hiện cũng đang đạt được thành tích này.
Ngoài việc có thể tham khảo xu hướng cho thị trường, chính những cổ phiếu này có thể được xem là những cơ hội giao dịch cho nhà đầu tư đang muốn giải ngân vào thị trường.
Một số nhóm ngành như Chứng khoán, Năng lượng, Hạ tầng, Thép đã có sự thể hiện ở tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023. Tuy nhiên, trạng thái của nhóm này là kém ổn định trong chu kỳ thanh toán T+2. Các hoạt động chốt lời sớm luôn xuất hiện khiến cho đà tăng của các cổ phiếu như POW, FCN, HHV, KSB, NKG, HSG, HPG, SMC đang xuất hiện sắc đỏ trong các phiên gần đây. Ở phiên sáng nay, nhóm Thép đang chịu áp lực khá mạnh khi cả HSG, NKG, SMC đều đang giảm trên 3%.
Mức giảm tại nhóm Chứng khoán, Năng lượng và Hạ tầng đang là hẹp hơn nhóm Thép tuy nhiên phần lớn các cổ phiếu đều đang trong sắc đỏ.
Các ý tưởng giao dịch cũng chưa thể triển khai một cách khẩn trương ở nhóm Du lịch và Dầu khí sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa với thế giới. Hiện, HVN đang giảm hơn 2% sau phiên tăng tới hơn 5% còn VJC chỉ chủ yếu lình xình dưới vùng giá 110.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Với Dầu khí, PVD có thể được xem là mã tích cực nhất ngành khi đã lấy lại xu hướng tăng dài hạn ở tuần trước. Các diễn biến tăng nhẹ từ hôm qua vẫn đang được duy trì nhưng có vẻ như ưu tiên của PVD đang là củng cố nền giá thay vì có sự bứt phá nhanh chóng.
Theo thông tin mới nhất, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua vào 1,1 triệu cổ phiếu PVD vào ngày 30/12/2022 để nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,99% lên 11,2%.
Yếu tố thanh khoản cũng đang là rào cản tới PVD lẫn cả thị trường. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu này các phiên gần đây chỉ ở dưới mức bình quân 20 phiên, tương tự như khối lượng giao dịch của VN-Index. HOSE chỉ đạt hơn 4.000 tỷ đồng trong cả phiên sáng.
Độ rộng của sàn về cuối phiên sáng đang mở rộng sắc đỏ trên 60% số mã trên sàn. VN-Index cuối phiên sáng đang giảm xuống dưới 1.050. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index hiện cũng đang có mức giảm dao động quanh 0,4%.