Đáng chú ý, hầu hết các nhà kinh tế đều nhận thấy dấu hiệu giá tăng nhanh đang trở nên "cố thủ" và cảnh báo một cuộc suy thoái có thể cần thiết để tránh vòng xoáy lạm phát.
Các nhà kinh tế tại Desjardins Group và Oxford Economics cũng dự báo các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, mặc dù đây có thể là một cuộc suy thoái nhẹ. Chỉ trong vòng 6 tháng qua, Ngân hàng trung ương Canada(BoC) đã tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản lên 3,25% - mức cao nhất trong 14 năm qua.
Về phần mình, BoC cho rằng ngân hàng có thể làm chậm sức tăng trưởng mà không khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Phó thống đốc BoC, Carolyn Rogers trong một phát biểu hồi đầu tháng 9 này, đã nhấn mạnh về khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế, trong bối cảnh "Canada cần hạ nhiệt nền kinh tế để đưa lạm phát trở lại mục tiêu".
Các nhà phân tích ước tính tỷ lệ lạm phát tại Canada trong tháng 8/2022 có thể sẽ giảm xuống 7,3%, từ mức 7,6% trong tháng Bảy và mức cao nhất trong bốn thập kỷ là 8,1% hồi tháng Sáu.
Tuần trước, Chính phủ Canada đã công bố gói các biện pháp trị giá trên 4,5 tỷ CAD (3,4 tỷ USD) nhằm hỗ trợ người dân ứng phó với chi phí sinh hoạt cao hơn, gồm ba phần: các khoản thanh toán cho các bậc cha mẹ không có bảo hiểm để trang trải chi phí nha khoa cho con cái của họ; tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ) và tăng hỗ trợ tiền thuê nhà.
Thủ tướng Justin Trudeau cho rằng các biện pháp này "sẽ tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người dân ngay bây giờ, nhưng chúng được nhắm mục tiêu đủ để không góp phần làm gia tăng lạm phát”.
Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập Pierre Poilievre cho rằng kế hoạch này sẽ "đổ thêm dầu vào lửa". Trevor Tombe, một nhà kinh tế tại Đại học Calgary, nhận định rằng không chắc các biện pháp trên sẽ có tác dụng đáng kể, khi phần lớn lạm phát là do các yếu tố toàn cầu và giá năng lượng cao.
Ông lưu ý rằng khó có thể giải quyết vấn đề gốc rễ của lạm phát một cách nhanh chóng. Các đợt tăng lãi suất của BoC cũng sẽ mất thời gian để ảnh hưởng đến lạm phát.