Cổ phiếu có mô hình còn vững hơn VCB, VNM
Tuần vừa qua, cổ phiếu SAB của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) có mức giảm 2,2% còn ở tuần trước mã này giảm 3,58%. Nếu chỉ nhìn vào chuỗi 2 tuần trên thì rõ ràng diễn biến của SAB cũng là kém tích cực so với thị trường. Tuy nhiên, điểm làm nên sự đáng chú ý là SAB thực tế vẫn đi ngang trong vòng 3 tháng trở lại đây.
So với các cổ phiếu trụ như VNM hay VCB, vai trò điều tiết của SAB là có phần nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, ít nhất việc cổ phiếu này không xuất hiện những biến động cũng nên được xem là giúp thị trường bớt đi một nỗi lo.
Xét về góc độ kỹ thuật, cổ phiếu SAB hiện còn đang có trạng thái "vững" hơn hơn VNM hay VCB bởi vùng tích lũy của SAB hiện cách khá xa đường MA200. VNM đang là cổ phiếu đi sau khi mới chỉ vượt MA200 từ giữa tháng 10 trong khi VCB vẫn còn rất lận đận trong các tuần gần đây.
Nếu như có một sự can thiệp của tiền lớn vào thị trường thì SAB hoàn toàn có thể một ứng viên tiềm năng để dòng tiền tạo hiệu ứng hồi phục tích cực lên chỉ số chung. Trong trường hợp kịch bản này không xảy thì SAB vẫn sẽ tiếp tục quá trình tích lũy một cách "bình thản" như thời gian vừa qua.
SAB đạt đỉnh tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3/2022
Trong quý 3/2022, SAB ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 8,6 nghìn tỷ đồng (tăng 102% so với cùng kỳ) và 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 196% so với cùng kỳ), so với mức cơ sở thấp của năm trước.
So với quý 2/2022, doanh thu thuần chỉ giảm 4% theo quý (khi mùa dần qua), trong khi lợi nhuận ròng giảm 22% theo quý do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 34,3% trong quý 2 năm 2022 (mức nền so sánh cao) xuống 31,2% trong quý 3 năm 2022.
CTCK SSI cho rằng điều quan trọng là SAB đang trên đà vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm với 97% mục tiêu lợi nhuận đã hoàn thành trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, SAB ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 24,95 nghìn tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ) và 4,4 nghìn tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ bia mang lại mức tăng trưởng doanh thu 102% so với cùng kỳ trong quý 3/2022 do nhu cầu tăng mạnh. SSI cũng nhận thấy sự cải thiện về sức khỏe thương hiệu của SAB. Về các đối thủ cạnh tranh như Heineken, công ty này đang đạt mức tăng trưởng ba con số trong quý 3 năm 2022, mức tăng trưởng này là do Heineken bị ảnh hưởng nặng nề hơn SAB trong quý 3 năm 2021 khi các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài tại TP.HCM (Heineken coi TP.HCM là thị trường trọng điểm của công ty, trong khi SAB đang phân phối trên toàn quốc).
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Heineken đạt mức tăng trưởng sản lượng bia 33% so với cùng kỳ tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương, và theo ước tính của SSI, mức tăng trưởng này chậm hơn một chút so với mức tăng trưởng sản lượng 36% của SAB trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong tương lai, ban lãnh đạo dự kiến sản lượng tiêu thụ năm 2023 sẽ phục hồi trở lại mức trước COVID. Đáng chú ý, tăng trưởng sản lượng của ngành được dự báo sẽ ổn định ở mức 5-10% vào năm 2023 và 3-7% vào năm 2024.
Trong năm 2022, SSI kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 34,3 nghìn tỷ đồng (tăng 29,9% so với cùng kỳ) và 5,9 nghìn tỷ đồng (tăng 49,4% so với cùng kỳ).
SSI giả định về sản lượng tiêu thụ lên 3% để phản ánh sự phục hồi đáng khích lệ, được hỗ trợ bởi thương hiệu mạnh hơn và thay đổi thói quen tiêu dùng sang loại hàng rẻ hơn. Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận gộp ngành bia từ 33,3% lên 34,2% cho năm 2022, phản ánh việc chi phí sản xuất được tiết kiệm hơn.
Trong năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 38,7 nghìn tỷ đồng (tăng 12,9% so với cùng kỳ) và 6,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ). SSI dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ thấp hơn 100bps so với cùng kỳ trong năm 2023. Hợp đồng tương lai lúa mạch đã tăng 30% so với cùng kỳ vào tháng 10 năm 2022, đây chính là khoảng thời gian SAB đàm phán hợp đồng nguyên liệu thô năm 2023.