Trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế thế giới đã liên kết với nhau hơn bao giờ hết. Sự trao đổi ngày càng sâu rộng này dần dần tạo ra các chuỗi sản xuất toàn cầu, nhờ đó nhiều nhà sản xuất từ nhiều quốc gia trên thế giới có thể tham gia sản xuất một loại hàng hóa. Tuy nhiên, những biến động của thế giới vài năm gần đây đang tác động mạnh mẽ đến quá trình toàn cầu hóa và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đầu tiên là chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan và hạn ngạch mới đối với một loạt sản phẩm do các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu vào Mỹ.
Những mức thuế này, cùng với các biện pháp trả đũa (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã gây tổn hại cho các nhà sản xuất ở cả hai bên và làm xói mòn đáng kể niềm tin vào thị trường toàn cầu. Sau đó, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 mang đến một cú sốc lớn hơn đối với nền kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia đã phải thúc đẩy chính sách bảo hộ để bảo vệ lợi ích quốc gia, có thể thấy rõ nhất qua việc các nước đã hạn chế xuất khẩu các sản phẩm y tế và vaccine.
Tình hình thị trường toàn cầu càng trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước cuộc xung đột, yếu tố quan trọng quyết định thị trường chính là giá cả và thực tế cho thấy, với EU, dầu khí giá rẻ đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách của khối.
Tuy nhiên, cuộc xung đột của Nga đã làm thay đổi điều này, địa chính trị được đặt lên hàng đầu và một số quốc gia (bao gồm cả Mỹ) bắt đầu ưu tiên nhiều cho hợp tác kinh tế với các quốc gia có cùng lợi ích kinh tế và an ninh. Các lệnh trừng phạt đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp và khiến sự cân bằng trên thị trường thế giới một lần nữa bị phá vỡ.
Mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là khiến Nga dừng các hoạt động quân sự. Theo quan điểm của phương Tây, nếu muốn tránh một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga, phương Tây không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm suy yếu nước Nga. Cho đến nay, một số gói trừng phạt đã được thông qua, bao gồm các biện pháp trừng phạt các cá nhân, các biện pháp trừng phạt kinh tế (bao gồm việc ngăn chặn các ngân hàng Nga tiếp cận thị trường tài chính và hạn chế quyền tiếp cận của quốc gia này với một số loại hàng hóa, dịch vụ) và các biện pháp ngoại giao.
Các biện pháp trừng phạt đã đạt được những hiệu quả nhất định. Nhưng trên bình diện toàn cầu, những tác động của đại dịch cùng với cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những khó khăn ngày càng rõ ràng. Thứ nhất, các nhà sản xuất công nghiệp phải đối mặt với chi phí sản xuất cao, và người dân ở nhiều quốc gia chứng kiến sự gia tăng chưa từng có về chi phí sinh hoạt. Nguy cơ làm gián đoạn thương mại hàng hóa đang hiện hữu, đặc biệt là xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu, thể hiện qua việc tăng giá của mặt hàng này, gây thêm áp lực lên lạm phát vốn đã cao và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của thương mại thế giới là rõ ràng. Ngoài ra, cả Nga và Ukraine đều là nhà cung cấp quan trọng của một số lượng lớn các nguyên liệu (kim loại, phân bón, neon, quặng sắt, lúa mỳ...), điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất các sản phẩm kỹ thuật, thiết bị vận tải hoặc thực phẩm trên toàn cầu.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến toàn cầu hóa và chuỗi sản xuất trên thế giới. Cụ thể, các công ty phải chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, do đó, chuỗi sản xuất toàn cầu có thể trải qua những thay đổi nhất định.
Để đảm bảo sự ổn định của dây chuyền, các nhà sản xuất sẽ chuyển một phần năng lực sản xuất sang các quốc gia ít rủi ro hơn và sẽ tìm cách đa dạng hóa các nhà thầu phụ. Điều này có thể làm sâu sắc hơn sự hội nhập trong các nhóm khu vực hiện có (EU, Liên minh châu Phi, v.v.).
Tuy nhiên, các nước phát triển sẽ không thể thay thế tất cả hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển bởi hầu hết các nguồn nguyên liệu thô là không thể thay thế được. Bên cạnh đó, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng nên yếu tố chi phí chắc chắn sẽ tiếp tục đóng vai trò chính. Các sản phẩm sử dụng nhiều lao động sẽ vẫn được sản xuất ở các nước có chi phí lao động thấp. Để giảm thiểu chi phí đầu tư và rủi ro chính sách, các công ty cũng hạn chế đầu tư rộng rãi thiết bị và vốn ở các quốc gia khác.
Toàn cầu hóa cũng có thể bị gián đoạn bởi sự gia tăng của các chính sách bảo hộ, điều này cũng sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện nhiều quốc gia đang kêu gọi áp dụng các biện pháp bảo hộ. Áp dụng thuế quan hoặc hạn ngạch thì sẽ dẫn đến sự trả đũa và hậu quả sẽ là nguy cơ thiếu hụt một số mặt hàng.