Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) vừa thông qua quyết định dừng phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu.
Thay vào đó, SHS sẽ nâng vốn điều lệ lên hơn 8.800 tỷ đồng thông qua hai phương án: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cùng với kế hoạch này, công ty duy trì cam kết chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng hơn 813 tỷ đồng. Tổng cộng, SHS sẽ thực hiện mức cổ tức 20% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, bao gồm 10% tiền mặt, 5% cổ phiếu trả cổ tức năm 2023, và 5% cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Với việc tạm gác phương án tăng vốn lớn, công ty sẽ triển khai phát hành trái phiếu ra công chúng với hạn mức 5.000 tỷ đồng. SHS đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 2.261,9 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.369,1 tỷ đồng.

Năm 2024, SHS ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.239 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch đề ra. Thành tích này đưa SHS lên vị trí thứ 6 toàn ngành về lợi nhuận trước thuế, thứ 13 về tổng tài sản và thứ 8 về vốn chủ sở hữu trong năm vừa qua.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, hoạt động tự doanh của SHS trở thành tâm điểm chú ý. Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc SHS chia sẻ rằng, chiến lược tự doanh của công ty không chạy theo các cổ phiếu đầu ngành trong ngắn hạn mà hướng đến tầm nhìn dài hơi.
Tuy nhiên, thay vì “ôm” danh mục chờ tăng giá, SHS linh hoạt chốt lãi để đem lại cổ tức cho cổ đông. Trong đợt giảm vừa qua, SHS tập trung “bắt đáy” các doanh nghiệp trong VN30 có quản trị tốt, tiềm lực vững mạnh. “Lịch sử cho thấy, khi thị trường hồi phục, các cổ phiếu dẫn đầu thường nằm trong VN30”, ông Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, công ty cũng tránh một số chủ đề đầu tư như nhóm xuất khẩu hay khu công nghiệp, đồng thời vẫn nhìn thấy cơ hội ở lĩnh vực bất động sản.
Ông Thành khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cần kiểm soát tỷ trọng danh mục một cách hợp lý, tránh tình trạng “full cổ phiếu” như trước nhịp rơi vừa qua. Ông lưu ý rằng, tổ chức và cá nhân có cách tiếp cận rất khác nhau: tự doanh các công ty chứng khoán thường không dùng margin để tránh sai lầm, trong khi nhà đầu tư cá nhân đôi khi mua/bán có thể không dựa trên cơ sở đầu tư. “Nếu không muốn bán danh mục khi thị trường giảm, nhà đầu tư có thể linh hoạt hedging bằng cách mở vị thế short, đồng thời tính toán mức độ tương đồng giữa danh mục và thị trường”, ông Thành gợi ý.
Về kết quả kinh doanh, SHS ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 325 tỷ đồng. Dù thấp hơn cùng kỳ năm trước, con số này vẫn nằm trong kế hoạch đề ra, cho thấy sự ổn định giữa giai đoạn biến động.

Nhưng SHS không chỉ tập trung vào tự doanh. Ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT SHS, khẳng định công ty sẽ duy trì quy mô tự doanh ở mức hiện tại, đồng thời đẩy mạnh các mảng dịch vụ khác như tư vấn đầu tư và quản lý tài sản. “Trong khi nhiều công ty chứng khoán cạnh tranh bằng zero fee hay lãi suất thấp, SHS chọn hướng đi bền vững: đầu tư vào con người và công cụ”, ông Vinh nói.
Năm 2024, đội ngũ nhân sự của SHS đã tăng từ 250 lên 300 người, tập trung vào phân tích, công nghệ thông tin và tư vấn đầu tư – một chiến lược ngược xu hướng giảm nhân sự của nhiều công ty khác.

Để hỗ trợ tăng trưởng, SHS lên kế hoạch phát hành trái phiếu tối đa 5.000 tỷ đồng, chủ yếu nhằm mở rộng quy mô margin. Trong quý I/2025, công ty đã nâng mức cho vay margin từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục gia tăng trong năm.
Ông Thành cho biết thêm, một phần nguồn vốn sẽ được phân bổ vào trái phiếu – lĩnh vực mà đội ngũ SHS đã làm tốt trong 4-5 năm qua – để tạo thêm nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, quy mô danh mục tự doanh sẽ không mở rộng thêm, giữ trọng tâm cân bằng giữa cổ phiếu và trái phiếu.
Nhìn xa hơn, SHS đặt mục tiêu phát triển các thị trường mới như tín chỉ carbon và tài khoản số, với sự hậu thuẫn từ Ngân hàng SHB. “Chúng tôi muốn giúp nhà đầu tư phân bổ tài sản đa dạng, không chỉ tập trung vào cổ phiếu”, ông Thành chia sẻ.