Chứng khoán giảm mạnh khiến nhân sự nghỉ việc, chuyển nghề

Trong khi nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tiếp tục ở mức cao thì ngành Dịch vụ Tài chính - Bảo hiểm lại thiếu hụt nhân sự do thị trường chứng khoán biến động mạnh trong những tháng gần đây đã thúc đẩy nhân viên chuyển sang các ngành ổn định và có triển vọng hơn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Adecco Việt Nam vừa công bố bản cập nhật thị trường lao động quý 2/2022, cho thấy số lượng yêu cầu tuyển dụng tương tự so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng nổi trội hơn hẳn khi cố gắng tái khởi động kinh doanh, hoặc thậm chí là tăng trưởng sau dịch COVID-19.

Theo bà Hà Nguyễn, Giám đốc Adecco Hà Nội, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tiếp tục ở mức cao.

"Các xu hướng như chuyển đổi số, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và Internet vạn vật không chỉ mang lại cho nhân sự công nghệ thông tin cơ hội việc làm đa dạng tại các doanh nghiệp Việt Nam mà còn mở ra khả năng làm việc từ xa cho các công ty và dự án từ nước ngoài. Do đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương và các chế độ phúc lợi hấp dẫn, họ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tuyển những ứng viên có chuyên môn cao”, bà Hà Nguyễn nhận xét.

Bà cũng nhận xét rằng nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp Sản xuất, chẳng hạn như Điện tử, Dệt may và Hóa chất, đã tăng đáng kể trong năm nay và rất có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo bà Hà Nguyễn, có nhiều nguyên nhân thúc đẩy tình trạng này. “Trước tiên, kể từ vài năm trước, chúng ta đã được hưởng lợi nhiều từ việc dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc và việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cùng với sự gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc khiến Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á khác được xem như là điểm đến tiềm năng cho ngành sản xuất”, bà Hà Nguyễn nói.

Tuy nhiên, việc thiếu lao động có kỹ năng là một trong những trở ngại lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh nhu cầu lớn về lao động phổ thông, các vị trí quản lý trong mảng Sản xuất, Đảm bảo chất lượng và Kỹ sư cũng được săn đón.

Bà Thanh Lê, Giám đốc Quốc gia, Adecco Việt Nam, nhận định: "Ngoài các doanh nghiệp Sản xuất và Công nghệ, thì các công ty trong lĩnh vực Dịch vụ Thực phẩm và Đồ uống, Điện tử Tiêu dùng và Năng lượng cũng tìm đến chúng tôi với nhu cầu tuyển dụng đáng kể. Thêm vào đó, việc tìm kiếm ứng viên cho các vị trí Kỹ sư phần mềm, Bán hàng, Marketing, và Thương mại là rất cạnh tranh vì các ứng viên hiện có rất nhiều cơ hội từ những doanh nghiệp mới trên thị trường".

Báo cáo của Adecco cũng cho biết hiện nay đang sự thiếu hụt ứng viên trong các ngành Dịch vụ Tài chính và Bảo hiểm.

Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong những tháng gần đây đã thúc đẩy nhân viên chuyển sang các ngành ổn định và có triển vọng hơn. Ngoài ra, số lượng ứng viên chuyên ngành không đủ so với nhu cầu tuyển dụng liên tục.

Một giải pháp mà nhiều công ty đã áp dụng là tuyển các ứng viên có kinh nghiệm nền tảng trong mảng Dịch vụ tiêu dùng do nhận thấy họ vẫn có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc sau các khóa đào tạo ban đầu.

Thị trường tuyển dụng tập trung vào ứng viên

Theo báo cáo của Adecco, nhiều doanh nghiệp hiện đang tận dụng cả phỏng vấn trực tuyến lẫn trực tiếp để tăng hiệu quả tuyển dụng và thu hút các ứng viên sành công nghệ.

Đối với các vị trí cần tuyển số lượng lớn hoặc vị trí cấp trung, những vòng đầu tiên có thể được tiến hành trên nền tảng trực tuyến. Một số doanh nghiệp còn chuẩn bị thêm các bài đánh giá ứng viên để nhanh chóng sàng lọc một lượng lớn hồ sơ.

Những ứng viên phù hợp nhất sẽ tiến vào những vòng phỏng vấn trực tiếp cuối cùng. Mặt khác, đối với các vị trí từ quản lý cấp cao trở lên thì doanh nghiệp vẫn ưu tiên gặp gỡ trực tiếp ngay từ các vòng đầu.

Bà Thanh Lê nhận xét: “Sự bất ổn do COVID-19 gây ra và tình hình lạm phát gần đây khiến nhân viên thận trọng hơn khi tìm hiểu về văn hóa làm việc, phúc lợi bổ sung về sức khỏe, con đường sự nghiệp cũng như khả năng tăng lương. Người lao động cũng quan tâm nhiều hơn đến mô hình làm việc kết hợp. Việc áp dụng mô hình này có thể khả thi đối với các ngành Dịch vụ và Công nghệ, ngược lại, các ngành Sản xuất và Bán lẻ sẽ khó thực hiện hơn”.

Với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, chẳng hạn như Du lịch – Nhà hàng - Khách sạn và Giải trí, các chiến dịch tuyển dụng lớn và các hoạt động xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng có thể giúp giảm bớt tình trạng “khát” lao động.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này sẽ đối mặt với rủi ro mất đi nhân sự chủ chốt vào tay các doanh nghiệp khác, vì sau đại dịch, người lao động nhận ra các ngành có văn hóa linh hoạt và phát triển ổn định sẽ hấp dẫn hơn và ít bị tổn thương hơn khi đối mặt với các thay đổi từ thị trường”, bà Thanh Lê chia sẻ.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE