Thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm trong phiên ngày 6/9 sau khi số liệu việc làm yếu hơn dự kiến của Mỹ đã cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã bổ sung khoảng 142.000 việc làm trong tháng 8/2024, tăng so với tháng 7/2024 nhưng thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ từ 4,3% xuống 4,2%.
Ban đầu các nhà đầu tư nhận định báo cáo việc làm theo hướng tích cực, khiến giá cổ phiếu tăng lên. Nhưng sau đó, tâm lý thị trường đảo chiều và giá cổ phiếu đi xuống.
Tại New York, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,7% xuống 5.408,42 điểm, Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1% xuống 40.345,41 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,6% xuống 16.690,83 điểm.
Trong tuần này, chỉ số S&P 500 đã giảm 4,2%.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,7% xuống 8.181,47 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,1% xuống 7.352,30 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 1,5% xuống 18.301,90 điểm.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang về thị trường chứng khoán Briefing.com nhận định tăng trưởng việc làm ảm đạm đúng như dự đoán của thị trường về sự chững lại của nền kinh tế. Ông lưu ý rằng tháng 9 thường là giai đoạn ảm đạm đối với thị trường chứng khoán.
Báo cáo việc làm được công bố trong bối cảnh thị trường đang hướng đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Sau khi có dữ liệu, thị trường phái sinh đã dự đoán khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm thay vì mức 0,5 điểm phần trăm như trước đó.
Xu hướng chung trên thị trường chứng khoán tuần qua (từ ngày 2-5/9) là giảm điểm, liên quan đến những yếu tố như số liệu kinh tế, cắt giảm lãi suất của Fed, yếu tố thời vụ và tâm lý của nhà đầu tư.
Các số liệu kinh tế được công bố trong tuần, đặc biệt là hoạt động chế tạo tháng 8/2024 của Mỹ và báo cáo việc làm, đã tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
Niềm tin của thị trường đã giảm xuống khi Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tại Mỹ trong tháng 8/2024 vẫn yếu, dù có phần cải thiện so với tháng 7/2024, khi ghi nhận mức thấp nhất trong tám tháng.
Trong khi đó, báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động có thể đang hạ nhiệt. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế và ảnh hưởng đến quyết định chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Chỉ số đơn đặt hàng mới theo kết quả khảo sát của ISM đã tăng lên mức 53,0 trong tháng 8, từ mức 52,4 của tháng 7. Tuy nhiên, chỉ số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống mức 50,2, từ mức 51,1 vào tháng 7.
Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cũng hầu như không thay đổi trong tháng 8, với chỉ số giá đầu vào tăng nhẹ lên mức 57,3, từ mức 57,0 của tháng 7. Áp lực tăng giá đối với nền kinh tế Mỹ đang đang dần giảm bớt khi lãi suất cao hạn chế nhu cầu.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này đã giảm trong tuần trước do tình trạng sa thải vẫn ở mức thấp, giúp xoa dịu những lo ngại về thị trường lao động đang dần xấu đi.
Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm 5.000 đơn, xuống 227.000 đơn trong tuần tính đến ngày 31/8, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2024. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu chưa được điều chỉnh cũng giảm 3.352 đơn, xuống còn 189.389 đơn vào tuần trước.
Số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới được công bố phù hợp với đánh giá đưa ra trong báo cáo Sách Be được Fed công bố ngày 4/9, theo đó mô tả tình hình việc làm "nói chung ổn định hoặc tăng nhẹ trong những tuần gần đây."
Số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau tuần thất nghiệp đầu tiên, một đại diện cho tình hình tuyển dụng, cũng giảm 22.000 đơn, xuống còn 1,838 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 24/8, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2024.
Theo nghiên cứu được chi nhánh Fed tại San Francisco công bố ngày 3/9, lạm phát giá nhà ở tại Mỹ có thể sẽ giảm trong năm 2025, khi khoảng cách giữa cung và cầu nhà ở được thu hẹp.
Các nhà nghiên cứu của chi nhánh Fed tại San Francisco cho biết, lạm phát giá nhà giảm có thể sẽ làm củng cố thêm xu hướng lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ.
Lạm phát giá nhà ở cao dai dẳng đã tăng thêm đáng kể áp lực giá cả nói chung của Mỹ trong những năm gần đây, ngay cả khi Fed tăng mạnh lãi suất để đẩy lùi lạm phát.
Nguyên nhân là do chi phí đi vay cao hơn làm giảm nhu cầu về nhà ở, nhưng nó cũng làm giảm nguồn cung do khiến các nhà xây dựng phải tốn kém hơn.
Trong những tháng gần đây, lạm phát giá nhà ở đã hạ nhiệt, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và tiếp tục chiếm một tỷ trọng lớn trong lạm phát chung của Mỹ. Ví dụ, vào tháng 7/2024, lạm phát giá nhà ở đã tăng 5% so với một năm trước đó, trong khi lạm phát giá tiêu dùng tăng 2,9%.
Nghiên cứu trên cho thấy, việc tăng tiền thuê nhà cuối cùng sẽ chậm lại do chi phí vay tăng cao, nhưng phải mất một thời gian.
Các nhà nghiên cứu của chi nhánh Fed tại San Francisco đã sử dụng dữ liệu từ trước đại dịch để ước tính xu hướng lạm phát giá nhà ở trong tương lai và nhận thấy rằng lạm phát giá nhà ở vào cuối năm nay có thể giảm xuống mức thấp nhất là 2%, trước khi quay trở lại mức trung bình 3,3% trước đại dịch vào năm tới.
Các nhà đầu tư đang dõi theo sát sao các động thái của Fed và những ngân hàng trung ương khác về việc cắt giảm lãi suất. Dữ liệu kinh tế yếu đã củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất vẫn khiến thị trường biến động mạnh.
Theo Chủ tịch công ty đầu tư Alexis Investment Partners ở Montgomery, Texas, Jason Browne, tháng Chín được coi là một trong những tháng thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất, dựa vào các số liệu kể từ những năm 1950. Ông cho rằng yếu tố mùa vụ có tác động lớn đến thị trường.
Sự thay đổi tâm lý của nhà đầu tư cũng ảnh hưởng đến diễn biến thị trường. Sau một thời gian tăng trưởng mạnh, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và sẵn sàng chốt lời, qua đó gia tăng áp lực bán ra đối với thị trường.