Châu Âu và châu Á rơi vào "cuộc chiến" giành nguồn cung khí đốt

Cuộc chạy đua nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để dự trữ cho mùa đông sắp tới có thể khiến thị trường năng lượng tăng giá hơn nữa.

Trận chiến tranh giành nguồn cung cấp khí đốt giữa châu Á và châu Âu đang được đẩy nhanh tốc độ, làm dấy lên nguy cơ giá khí đốt sẽ tăng mạnh hơn nữa và khiến cuộc khủng hoảng giá cả ngày càng trầm trọng trên toàn cầu.

Báo Financial Times dẫn lời các nhà giao dịch cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nước nhập khẩu (LNG) lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới - đang tìm cách đảm bảo nguồn cung cho những tháng mùa đông tới và xa hơn nữa.

Việc châu Á đẩy mạnh thu mua LNG diễn ra vào thời điểm châu Âu cũng đang gia tăng nhu cầu đối với loại khí đốt được vận chuyển bằng các tàu chở dầu khổng lồ này, nhằm thay thế nguồn khí đốt tự nhiên được cung cấp thông qua các đường ống từ Nga. So với một năm trước, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần 5 lần và điều này đã làm tăng mạnh hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng, cũng như gây sức ép cho các công ty dịch vụ thiết yếu.

Giám đốc điều hành của một công ty khí đốt có trụ sở tại châu Á cho biết: “Những gì chúng tôi đang thấy là một cuộc tranh giành để đảm bảo nguồn cung LNG đến cuối năm nay và sang năm 2023. Nó vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến giá cả, nhưng kịch bản đó sẽ xảy ra vì bên chậm chân sẽ là những người chịu gánh nặng đó”.

Toby Copson, Trưởng bộ phận kinh doanh và cố vấn toàn cầu của tập đoàn khí đốt Trident LNG, cho hay các công ty Nhật Bản và Hàn đang tăng cường mua dải LNG. Hợp đồng dải (strip contact) là việc mua hoặc bán hợp đồng trong các tháng liên tiếp, với người mua và người bán có thể chốt giá trong toàn bộ khung thời gian.

“Tokyo và Seoul gặp vấn đề về an ninh năng lượng. Họ thực sự lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Và trong năm nay và trong quý đầu tiên của năm tới, sự cạnh tranh giữa châu Âu và châu Á sẽ khiến giá thị trường leo thang”, ông Copson nói.

chau-a-mua-lng1-3544.jpg
Quảng cáo

Các bồn dự trữ LNG tại cơ sở nhiệt điện của tập đoàn Tokyo Electric Power, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Châu Á từng là điểm đến hàng đầu của dòng chảy LNG, với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Giá tiêu chuẩn ở châu Á được giao dịch cao hơn giá châu Âu.

Nhưng hiện nay, giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu trên sàn TTF lại cao hơn đáng kể so với châu Á, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng lên trong bối cảnh khu vực này tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua các đường ống từ Nga. Kể từ cuối tháng 7 đến nay, dòng khí đốt của Nga chảy qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm xuống còn 20% công suất. Giới chức châu Âu đã bày tỏ lo ngại dòng chảy này sẽ bị cắt giảm hơn nữa.

Giá ở châu Âu cao hơn đồng nghĩa với việc các công ty thương mại sẽ gửi LNG đến đó để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Mức chênh lệch này hiện nhiều đến nỗi trong một số trường hợp, các nhà giao dịch theo hợp đồng dài hạn ở châu Á có thể cắt đứt hợp đồng hiện tại và nộp phạt mà vẫn kiếm được lợi nhuận nếu họ bán lại ở châu Âu.

Và Mỹ chính là nhà cung cấp LNG mà châu Âu và châu Á đang tranh giành tiếp cận. Quốc gia này đã xuất khẩu 74% LNG sang châu Âu trong 4 tháng đầu năm nay, nhiều gấp đôi so với mức 34% của năm ngoái. Trong khi đó, châu Á lại là thị trường chính của LNG Mỹ vào năm 2020 và 2021.

Trong khi các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gồng gánh mức giá cao hơn ở một ngưỡng nhất định, các quốc gia đang phát triển sẽ đã phải chịu gánh hậu quả nặng từ việc giá cả tăng vọt.

Nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới – nhìn chung ở mức thấp vì nền kinh tế bị suy thoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trung Quốc cũng đang bán lại lượng LNG dư thừa, làm giảm bớt phần nào sự thắt chặt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, theo bà Samantha Dart, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt tự nhiên tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, nhận định rằng mùa đông tới sẽ là thời điểm mà cuộc đua tranh giành nguồn cung trở nên cấp bách. Nhiều quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cần nạp đầy kho dự trữ. Và khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phục hồi rõ ràng hơn, cán cân LNG sẽ thay đổi đáng kể. Nếu nguồn cung cho châu Âu bị giới hạn, khu vực này sẽ phải tìm cách giảm nhu cầu nội địa nhiều hơn.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro