Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Google sẽ thất thế trước Microsoft trong cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngay sau khi OpenAI, một công ty khởi nghiệp tạo nên cơn sốt toàn cầu với chatbot ChatGPT (được Microsoft hỗ trợ khoảng 10 tỷ USD), Google ngay lập tức có hành động thể hiện không tụt hậu khi cho ra mắt Bard - với những tính năng tương tự vào ngày 7/2.
Trong một video quảng cáo do Google đăng trên Twitter một ngày sau đó, Bard được hỏi nên nói thế nào với một đứa trẻ 9 tuổi về những khám phá của kính viễn vọng không gian James Webb.
Bard trả lời nên mô tả rằng: đây rằng kính viễn vọng đầu tiên ghi lại hình ảnh một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời của Trái Đất. Tuy nhiên, nhiều người theo dõi đoạn quảng cáo này đã ngay lập tức phản hồi rằng đây là một câu trả lời sai, do Kính viễn vọng cực lớn của châu Âu mới là công cụ làm được điều này đầu tiên.
"Lỗ hổng kiến thức" của Bard đã khiến giá cổ phiếu của Google giảm hơn 7% vào cuối ngày 8/2, trong khi các nhà đầu tư cũng bị "sốc" trước những diễn biến mới nhất này.
Trước khi sự cố này xảy ra, Phó Chủ tịch công ty Google Prabhakar Raghavan khẳng định rằng Bard đang được "những người dùng đáng tin cậy thử nghiệm" trước khi chính thức ra mắt - dự kiến trong vài tuần tới.
Giới phân tích cho rằng Google quá nôn nóng giới thiệu Bard, do chịu sức ép cạnh tranh từ Microsoft, nhưng ông Raghavan bác bỏ điều này. Ông nhấn mạnh: "Đây là một hành trình kéo dài nhiều năm. Không một sự kiện đơn lẻ nào có thể làm thay đổi đáng kể tiến trình đã được Google lên kế hoạch".
Cũng trong ngày 8/2, các giám đốc điều hành của Google đã công bố một số cải tiến dựa trên AI đối với các dịch vụ như bản đồ, dịch thuật và công cụ nhận diện hình ảnh Lens. Tương tự, Microsoft cũng cho biết hãng này sẽ tích hợp AI vào hệ thống Office và ứng dụng Teams.
Tuy nhiên, việc Microsoft cải tiến công cụ tìm kiếm Bing dựa trên nền tảng AI mới là thách thức lớn, đặt hãng này vào thế đối đầu với Google - công ty đã thống trị lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến trong suốt 20 năm qua.