Theo thông tin cập nhật, đảng Cộng hòa của ông Donald Trump đã giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ với ít nhất 218 ghế, đảm bảo thế đa số tại cơ quan lập pháp này. Trước đó, đảng Cộng hòa cũng đã chiếm đa số tại Thượng viện với 53 trên 100 ghế. Với kết quả này, đảng Cộng hòa đã giành được cả ba vị trí quyền lực là Nhà Trắng, Thượng viện, và Hạ viện, qua đó củng cố quyền lực của Tổng thống thứ 47, Donald Trump, sau chiến thắng lớn trên đường đua Nhà Trắng.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, các chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán Vietcap đã đưa ra những nhận định về tác động tiềm tàng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với ngành ngân hàng Việt Nam.
Vietcap nhận định rằng chính sách tăng thuế thương mại của ông Trump có thể tác động đến các nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến lĩnh vực ngân hàng qua bốn yếu tố: tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ lệ nợ xấu, và lợi nhuận trước thuế.
Về tăng trưởng tín dụng, chuyên gia cho rằng, thuế tăng có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời, có thể thúc đẩy các công ty FDI chuyển từ "friendshoring" sang "onshoring".
Trong kịch bản này, tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng do sản lượng xuất khẩu giảm, không chỉ đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn từ các công ty cung ứng nguyên vật liệu cho các nhà xuất khẩu. Tác động tiếp theo có thể là sự suy giảm thu nhập lao động, dẫn đến tiêu dùng nội địa và nhu cầu đi vay giảm.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, việc áp thuế cao hơn đối với hàng Trung Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ nhờ chiến lược "nearshoring". Nếu Mỹ áp thuế cao hơn lên Trung Quốc so với các quốc gia khác, tác động tương tự có thể giúp giảm bớt một phần áp lực lên tăng trưởng tín dụng của Việt Nam. Dù vậy, Vietcap nhấn mạnh vẫn chưa chắc chắn liệu các yếu tố tích cực này có đủ để bù đắp cho áp lực từ việc tăng thuế quan hay không.
Về lãi suất, chính sách thương mại của ông Trump có thể làm USD mạnh lên, do thuế quan cao hơn có khả năng thúc đẩy lạm phát ở Mỹ và khiến Fed áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn so với kỳ vọng giảm lãi suất trong vài năm tới.
Việc USD tăng giá so với VND có thể dẫn đến việc dòng vốn dịch chuyển khỏi Việt Nam, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu giữ thêm USD và gây áp lực lên VND. Điều này có thể thu hẹp khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.
Về tỷ lệ nợ xấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm và lãi suất cao có thể khiến tỷ lệ này nhích lên. Vietcap nhận định rằng các ngành xuất khẩu và chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng trước những biến động của nhu cầu và tỷ giá.
Cuối cùng, với lợi nhuận trước thuế, nếu tất cả các yếu tố trên đều diễn biến bất lợi, lợi nhuận ròng của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng do tăng trưởng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, Vietcap cũng nhấn mạnh rằng nếu kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng mạnh, áp lực từ xuất khẩu giảm có thể phần nào được bù đắp.
Còn theo chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc đồng USD mạnh lên khi ông Trump nắm quyền là điều đương nhiên, tuy nhiên, biến động tỷ giá VND/USD sẽ không quá căng thẳng.
“Thời gian qua, khi tỷ giá VND/USD tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường nhằm giảm áp lực tỷ giá, cho nên nếu trong tương lai áp lực tỷ giá gia tăng thì nhà điều hành cũng sẽ có động thái can thiệp nhằm ổn định thị trường”, chuyên gia nêu ý kiến.
Về lãi suất, hiện nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức 3,6-3,7% và Fed cũng đã giảm lãi suất và mặt bằng lãi suất chung của thế giới đang đi xuống, do vậy, chuyên gia cho rằng không có lý do gì lãi suất huy động tăng cao, song cũng khó có thể giảm thêm.
“Như vậy chúng ta có cơ hội giữ lãi suất ổn định như hiện nay, hoặc nếu có tăng thì cũng ko đáng kể trong năm 2025”, chuyên gia nói.