Câu chuyện về SVB tại Mỹ là liều thuốc thử với thị trường chứng khoán toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có phiên cuối tuần giảm điểm đồng loạt khi cả Dow Jones, NASDAQ và S&P 500 đều giảm hơn 1%. Mức giảm không quá lớn những vẫn cần theo dõi những phản ứng dây chuyền có xuất hiện.
Trong phiên sáng đầu tuần, các chỉ số chứng khoán châu Á đều chưa bị kích hoạt phản ứng xấu dù tuần trước đó hầu hết các thị trường đều giảm điểm. Các chỉ số TWSE (+0,15%), KOSPI (+0,33%), SHCMP (+0,76%) tạm thời đã hồi phục trong phiên sáng nay.
VN-Index là một trong những chỉ số hiếm hoi tại châu Á đã tăng điểm trong tuần vừa qua cùng với NIKKEI 225 của Nhật Bản. Các nỗ lực hồi phục của VN-Index tuy nhiên lại trên một nền thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và có yếu tố tham gia của tiền ngoại. Sắc xanh tiếp tục được duy trì trong sáng nay.
Chất xúc tác
Tuần vừa qua là tuần mua ròng trở lại của khối ngoại sau 3 tuần bán ròng liên tiếp. Đã có khoảng 1.000 tỷ đồng được bơm lại thị trường giúp dòng tiền có thêm sinh khí. Và cho đến sáng nay, đã có thêm 275 tỷ đồng đổ vào HOSE, tập trung vào các cổ phiếu lớn.
Ưu tiên giải ngân là nhóm VN30 cho thấy đang có dòng tiền ETF bổ sung vào HOSE.Với tiền nội, để duy trì được sự ủng hộ với các giao dịch của dòng tiền ngoại, cần phải vượt qua được rào cản tâm lý giai đoạn trước kỳ đáo hạn phái sinh và cơ cấu của các quỹ ETF. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ NHNN cũng chưa được thể hiện rõ.
Theo thống kê, hoạt động giao dịch tín phiếu trên thị trường mở của NHNN lại ghi nhận tuần rút ròng thứ 5 liên tiếp. Tưởng như đã có sự đảo chiều sau khi quy mô giao dịch được rút xuống dưới 2.000 tỷ đồng trong tuần từ 27/2-3/3 thì tuần vừa qua giá trị rút ra lại vọt lên gần 30.000 tỷ đồng.
Lãi suất liên ngân hàng qua đêm vì vậy vẫn tăng nhẹ lên 6,09% khiến cho các kỳ hạn lãi suất khác không có nhiều dư địa để đảo chiều.
Vận động nhóm ngành
Khi các biến số gây nhiễu xuất hiện thì việc theo dõi chuyển động của các cổ phiếu Bluechips sẽ là ưu tiên của nhà đầu tư. Các cổ phiếu lớn đã tạo ra thử thách tâm lý nhịp rung lắc đầu phiên nhưng về cuối phiên sáng thì các mã có sức ảnh hưởng đã khôi phục lại trật tự cho thị trường.
VHM (+4,3%), MSN (+2,3%), VRE (+4,8%), VPB (+4,1%) đã kéo VN30 lẫn VN-Index giúp 2 chỉ số này đảo chiều thành công ngay trước 11h. Hiện VPB có thông tin xác nhận sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng 15% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản vào cuối tháng 3. Giá trị thương vụ ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, theo nguồn tin của Bloomberg.
Với mức giá trên, giá trị mua vào của Sumitomo sẽ từ 32.000-33.000 đồng/cổ phiếu, vẫn cao hơn so với thị giá của VPB cuối phiên sáng là 19.350 đồng/cổ phiếu.
Nhìn chung, nhóm VN30 đang làm khá tốt vai trò định hướng cho thị trường vào thời điểm nhạy cảm. Độ rộng của HOSE dù có hơn 50% mã giảm nhưng hầu như không có những trường hợp giảm sâu. Biên độ của các cổ phiếu chủ yếu đang ở dưới 1%.
Nhóm ngành trong giai đoạn biến động thất thường như Bất động sản vẫn có những mã tăng giá như DXG (+2,22%), DIG (+0,42%), NVL (+4,23%).
Nhóm Dầu khí và Đầu tư công cũng không ghi nhận sự rút lui của nhà đầu tư. Các cổ phiếu như PVD (-0,46%), LCG (-0,4%), HHV (-1,13%) chủ yếu lình xình.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 0,22% lên 1.055,36 điểm. Thanh khoản tốt hơn kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư khi vượt mức bình quân 1 tháng, đạt gần 5.500 tỷ đồng. So với phiên cuối tuần trước, đã có hơn 1.600 tỷ đồng được bổ sung vào thị trường.
Hiệu ứng từ HOSE dù vậy chưa tác động lên HNX và UPCoM. Cả 2 chỉ số đại diện là HNX-Index và UPCoM-Index đều giảm điểm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn hơn 700 tỷ đồng.