[BizDEAL] Liên danh của VinaCapital đề xuất đầu tư dự án điện gió 13 tỷ USD ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện liên danh Tập đoàn VinaCapital và Công ty EDF đề xuất khảo sát 4 vị trí để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tỉnh này. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 13 tỷ USD với tổng công suất 3.000 MW.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên danh của VinaCapital muốn đầu tư dự án điện gió 13 tỷ USD

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc với liên danh Tập đoàn VinaCapital và Công ty EDF - một thành viên của Tập đoàn Điện lực Pháp về dự án điện gió ngoài khơi vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, đại diện liên danh Tập đoàn VinaCapital và Công ty EDF đề xuất khảo sát 4 vị trí để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu với 4 vị trí. Vị trí 1 cách bờ 140 km; vị trí 2 cách bờ 100 km, cách Côn Đảo 40 km; vị trí 3 cách bờ 48 km; vị trí 4 - cách bờ 258 km và cách Côn Đảo 168 km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 13 tỷ USD, với tổng công suất khoảng 3.000 MW.

Số liệu của EVN cho biết, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Như vậy, dự án của liên danh này tương đương 14,5% tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo cả nước.

Đại diện liên danh VinaCapital và Công ty EDF dự kiến sau khi hoàn thành, phần lớn lượng điện sản xuất sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài.

Dragon Capital trở thành cổ đông lớn tại PV Drilling

Các quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào 3,1 triệu cổ phiếu PVD của Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã PVD) vào ngày 7/9.

Cụ thể, CTBC Vietnam Equity Fund mua 3 triệu cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balance Fund mua 100.000 cổ phiếu. Sau giao dịch, tổng sở hữu của Dragon Capital tại PV Drilling tăng từ 4,77% lên 5,33%, trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp dầu khí này.

Trước giao dịch này, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo đưa cổ phiếu PVD vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Theo giải thích của HoSE, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PV Drilling 6 tháng năm 2022 là con số âm với gần 116 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí tài chính 134 tỷ đồng, tăng 57,6%; doanh thu tài chính 55,5 tỷ đồng, giảm 31,7% và phần lãi từ công ty liên doanh 8,7 tỷ đồng, giảm hơn 80%. Trong khi đó, doanh thu tăng trưởng 60,7%, ghi nhận gần 2.660 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp tăng từ 7% lên 7,3% nhưng không đủ bù đắp các chi phí.

Trong phiên 7/9, cổ phiếu PVD giảm sàn về 19.750 đồng/cổ phiếu, nếu chiếu theo giá kết phiên, ước tính nhóm quỹ thuộc Dragon Capital chi khoảng 61 tỷ đồng để mua vào 3,1 triệu cổ phiếu PVD.

Tuy nhiên, sau khi thông tin Dragon Capital trở thành cổ đông lớn tại PVD, cổ phiếu này bật tăng trần trong phiên chiều 9/9, đóng cửa tại mốc 20.500 đồng/cổ phiếu.

PV Power sẽ góp 30% vốn thành lập Điện khí LNG Quảng Ninh

HĐQT Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã POW) thông qua việc góp 30% vốn và thành lập CTCP Điện khí LNG Quảng Ninh.

Các đối tác cùng góp vốn thành lập pháp nhân gồm CTCP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi - hoạt động chủ yếu trong ngành gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại), Tokyo Gas Co., Ltd (công ty khí đốt của Nhật Bản) và Marubeni Corporation (tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề của Nhật Bản). Tới thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của pháp nhân mới chưa được tiết lộ.

Theo báo cáo soát xét bán niên 2022, PV Power hiện có 5 công ty con và 2 công ty liên kết. Ngoại trừ công ty con Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam làm trong mảng dịch vụ thì các đơn vị còn lại đều hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện.

VNSteel (TVN) muốn bán hết vốn tại RedstarCera

Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã TVN) thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 2,2 triệu cổ phần đang nắm giữ tại CTCP RedstarCera.

Dựa trên cơ sở chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, VNSteel đề xuất giá khởi điểm chuyển nhượng vốn góp với giá 30.262 đồng/cổ phần. Với mức giá này, dự kiến VNSteel thu về ít nhất 66,7 tỷ đồng.

Phương thức chuyển nhượng là chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng thông qua đấu giá công khai trọn lô tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 6/9.

Theo báo cáo quản trị tại ngày 30/6, VNSteel là cổ đông lớn thứ hai của RedstarCera với tỷ lệ nắm giữ là 20,054%, xếp sau Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Ngọc với tỷ lệ hơn 28,2%. Giá trị phần vốn đầu tư theo sổ sách của VNSteel tại RedstarCera là 39 tỷ đồng, tính tại ngày 30/6.

Louis Capital hạ giá chuyển nhượng cổ phần tại Sametel

Hội đồng Quản trị (HĐQT) CTCP Louis Capital (mã TGG) đã thông qua nghị quyết điều chỉnh giá chuyển nhượng toàn bộ 2,8 triệu cổ phiếu, tương đương 51,2% cổ phần tại CTCP Sametel (mã SMT) từ "không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu" thành "không thấp hơn giá vốn đầu tư ban đầu".

Trước đó, tháng 8/2021, Louis Capital công bố chủ trương đầu tư vào Sametel với mức vốn đầu tư tối đa 56 tỷ đồng để mua lại hơn 51,2% cổ phần (tương đương 2,8 triệu cổ phiếu) của Sametel. Qua đó, Louis Capital trở thành công ty mẹ và nắm quyền chi phối.

Ngày 26/8/2021, Louis Capital thông báo hoàn tất mua vào gần 1,25 triệu cổ phiếu SMT, tương ứng 22,8% và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Sametel. Sau đó, Louis Capital tiếp tục mua vào cổ phiếu SMT để nâng sở hữu tại Sametel lên 51,2% như hiện nay. Tổng số tiền Louis Capital đã rót vào Sametel để sở hữu 51,2% cổ phần khoảng 28 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, Louis Capital công bố nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ hơn 2,8 triệu cổ phiếu SMT với giá chuyển nhượng thực tế không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu SMT đang giao động hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.

Đọc tiếp

Quang cảnh hội thảo

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và đại diện các bộ, ban, ngành tổ chức buổi chia sẻ về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Chat với BizLIVE