Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng thấy. Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đến cuối năm 2022, có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản (tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng lỗ nặng. Nhiều đơn vị thiếu dòng tiền, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng.
“Chỉ tính trong quý 1/2023, hàng nghìn chủ doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ đã phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng. Hàng chục vạn môi giới, chiếm tới 80% lực lượng phải dừng hoạt động”, Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam nêu rõ.
Đánh giá về thị trường bất động sản hiện tại, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, hiện thị trường bất động sản tắc nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu và vốn huy động từ khách hàng. Số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả nghìn dự án, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỉ đồng, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội.
Đáng lo ngại là với những khó khăn thị trường bất động sản đang phải đối diện, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - nhận định nếu không khẩn trương xử lý kịp thời, hiệu quả bình ổn thị trường, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng, thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, kéo theo khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
“Thị trường bất động sản được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế, bởi tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hầu hết các ngành, nghề. Một khi thị trường bất động sản gặp khó sẽ tác động đến 40 ngành nghề khác, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. Sự khó khăn của thị trường trong thời gian vừa qua đã kéo theo những lo ngại về tăng trưởng kinh tế”, ông Châu cho biết.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích: tỷ lệ tác động lan tỏa của bất động sản là 1,3 - 1,4, tức là 1% tăng trưởng BĐS sẽ tạo ra 1,3 - 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế. Để dễ hình dung, ông Nghĩa ví bất động sản như đầu kéo của một đoàn tàu. Đầu kéo khựng lại thì toàn bộ phía sau sẽ bị dồn toa.
“Ngành gắn bó nhất với bất động sản là xây dựng bị tác động mạnh nhất. Bất động sản đình trệ thì hàng triệu người sẽ mất việc, hàng loạt máy móc sẽ nằm không, hàng trăm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sẽ rơi vào tồn kho, ứ đọng. Hậu quả sẽ rất khủng khiếp”, ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa: “Bất động sản là một trong những khu vực đầu tư có doanh lợi vốn cao nhất sau chứng khoán. Khi bất động sản gặp vấn đề, một nguồn vốn xã hội rất lớn sẽ bị chôn vùi, ảnh hưởng đến toàn bộ tăng trưởng kinh tế nói chung. Trong tất cả các cuộc khủng hoảng của thế giới, đáng sợ nhất là khủng hoảng liên quan đến bất động sản vì nó sẽ kéo theo khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế”.
Thị trường bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, vì vậy khi thị trường này gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Có thể nói GDP quý 1/2023 ghi nhận là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 – thời điểm dịch COVID-19. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới tụt giảm tăng trưởng kinh tế nghiêm trọng, không thể không nhắc tới sự đóng băng của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến ngành xây dựng và hàng chục ngành nghề khác lao đao.
Sự sụt giảm của kinh doanh bất động sản cũng là nguyên nhân khiến TPHCM lần đầu tiên sau hơn 40 năm, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ đạt mức 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khu vực dịch vụ, chiếm 60,4% trong GRDP của TP nhưng có đến 4/9 ngành tăng trưởng âm. Cụ thể, vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,70%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82% và sụt mạnh nhất là kinh doanh bất động sản giảm 16,20%.
Nói về nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của TP.HCM giảm sâu, tại hội nghị của Thành ủy TP.HCM diễn ra tuần qua Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng của thành phố thấp một phần do thị trường bất động sản “đóng băng” gần như 90%, gây nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng và ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác như vật liệu xây dựng, công nghiệp, dịch vụ...
Có thể nói, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Vì vậy, giải quyết khó khăn cho thị trường bất động trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành.
Chính bởi vai trò quan trọng của bất động sản trong nền kinh tế đã khiến Chính phủ liên tục có những giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại. Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo và quyết định thành lập Tổ công tác (liên ngành) của Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp để khơi thông lại thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Để vực dậy thị trường bất động sản cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công cuộc gỡ khó cho thị trường bất động sản cần huy động tổng lực để nhanh chóng tháo các nút thắt chủ đạo, khơi thông thị trường, kích thích tăng trưởng trở lại hàng chục ngành kinh tế, từ đó tạo động lực mạnh mẽ vực dậy nền kinh tế.
"Bộ Xây dựng rất mong các cơ quan quản lý bộ ngành, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và người dân cùng tích cực, đồng hành thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách hiệu quả để phát triển nhà ở cho người dân; thúc đẩy, khơi thông thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.