Theo Bloomberg, Công ty Cổ phần Khí Thiên Nhiên Ai Cập (Egyptian Natural Gas Holding Co.) đã thu mua ít nhất 1 lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giao trong tháng tới và đang tìm kiếm thêm nhiều lô hàng khác.
Ai Cập sắp tới sẽ nhận gói cứu trợ quốc tế trị giá 50 tỷ USD, giúp nước này vượt qua khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và có nguồn lực để tăng cường nhập khẩu.
Mặc dù vậy, việc mua sắm ồ ạt có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại tệ, đặc biệt là trong bối cảnh doanh thu kênh đào Suez sụt giảm do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Việc mua khí LNG đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với Ai Cập, quốc gia vốn đã ngừng nhập khẩu nhiên liệu này vào năm 2018 khi mỏ khí Zohr khổng lồ thúc đẩy sản xuất nội địa và biến nước này thành một quốc gia xuất khẩu khí đốt.
Tuy nhiên, sản lượng khí trong nước hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla cho biết nguyên nhân là do sự suy giảm tự nhiên tại các mỏ của nước này.
Ông Ziad Daoud, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi của Bloomberg Economics nhận định: "Ai Cập đang được hỗ trợ bởi gói cứu trợ trị giá hơn 50 tỷ USD, nhưng đồng thời, họ cũng đối mặt với nhiều khoản nợ phải trả."
Theo ông: "Nước này cần nguồn cung USD dồi dào để giải quyết tình trạng tồn đọng hàng nhập khẩu, thanh toán các khoản nợ cho các công ty quốc tế và giảm bớt các hạn chế về vốn. Việc chuyển đổi từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu nhiên liệu càng khiến gánh nặng tài chính thêm nặng nề."
Ai Cập tham gia thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong bối cảnh giá LNG đang có xu hướng giảm sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022.
Theo đó, giá khí đốt tại châu Âu đã giảm 20% trong năm nay do nhu cầu tiêu thụ yếu bởi mùa đông ôn hòa và sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Lượng khí đốt dự trữ trong khu vực châu Âu hiện đang ở mức cao theo mùa và nguồn cung dồi dào, làm giảm đáng kể sự cạnh tranh đối với nhiên liệu LNG.
Việc gia tăng nguồn cung LNG sẽ là một chiếc phao cứu cánh cho Ai Cập, nơi nhiệt độ mùa hè thường xuyên vượt quá 35 độ C (95 độ F) gây ra các đợt cắt điện kéo dài tới hai giờ mỗi ngày.
Năm ngoái, Ai Cập trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử và các chuyên gia dự đoán năm 2024 có thể còn khắc nghiệt hơn.
Ngoài sử dụng cho sản xuất điện, LNG còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp đòi hỏi năng lượng cao như sản xuất phân bón.
Việc đảm bảo nguồn cung LNG ổn định sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Ai Cập.