Đây là nội dung của buổi tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”, diễn ra ngày 16/8, do Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS Holdings phối hợp tổ chức.
Thị trường carbon vận hành muộn, doanh nghiệp sẽ bị thiệt
Trong tham vọng trở thành khu vực trung hòa khí carbon vào năm 2050, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được thành lập theo Quy định của Hội đồng và Nghị viện châu Âu. Theo đó, CBAM đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào khối châu Âu, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam cho biết, có 6 loại hàng hóa (xi măng, sắt thép và điện…) liên quan đến hơn 10.000 doanh nghiệp, là đầu vào trong ba lĩnh vực lớn là năng lượng, công nghiệp và hàng không tham gia thị trường tmua bán phát thải tại EU (EU ETS).
Xét tổng thể toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, CBAM tác động không lớn nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
“Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, doanh nghiệp sẽ bị thiệt”, ông Long nói.
Nhu cầu về tín chỉ carbon rất lớn nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần. Đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050.
TS. Trần Minh Hải, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết, nhà trường đã liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon, tuy nhiên, ở Việt Nam số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn khiêm tốn.
“Nhu cầu về tín chỉ carbon rất lớn, một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon. Song, chi phí đào tạo, cũng như khả năng cung cấp tại chỗ còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được một phần. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050, theo cam kết tại COP26”, ông Hải nói.
Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm
Theo GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
Đây là tiền đề thu hút nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng. Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon.
“Hy vọng trong năm nay và năm sau sẽ bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới. Để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ”, ông Vinh cho biết.
Theo ông Vinh, Việt Nam mới tham gia tín chỉ carbon nên số lượng chuyên gia còn khiêm tốn, vì vậy, công tác đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân.
Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.
140 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh bị áp hạn ngạch phát thải
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chính phủ đã đưa ra nhiều nghị định, thông tư về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với 2.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong số này, TP. Hồ Chí Minh có 140 doanh nghiệp bị áp hạn ngạch, chiếm tỷ lệ tương đối cao so với mức bình quân cả nước.
“Là thành phố công nghiệp, hầu hết doanh nghiệp tại đây sẽ tuân thủ hạn ngạch phát thải carbon, nhằm hướng tới việc trung hòa carbon trên cả nước vào năm 2050. Sở Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo một đề án chuyên ngành về vấn đề này, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật… Do vậy, đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược.
Theo TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ Sinh thái VOS Holdings, với lợi thế địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến nên Việt Nam có khoảng 5 tỷ tín chỉ carbon, không những có trữ lượng lớn mà còn có thể phát triển organic carbon.
Trước mắt Việt Nam cần đào tạo khoảng 150 ngàn lao động chuyên nghiệp, trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.
Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do vậy, đào tạo lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia thị trường này là hết sức vấn đề cấp thiết.