Định vị thị trường
Với xu hướng của chứng khoán thế giới là cùng lấy lại xu hướng dài hạn, VN-Index đang dần thu hẹp lại khoảng cách với đường MA200 khoảng 100 điểm. Trạng thái của thị trường các phiên gần đây đang có sự cải thiện hơn với số lượng các mã có xu hướng dài hạn đã đạt tỷ lệ hơn 18%.
Trong 2 phiên gần nhất, thị trường đều đã tận dụng khá tốt pha chững lại của các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng như khu vực châu Á. Trong đêm qua, 2/3 chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Mỹ đã giảm điểm: Dow Jones giảm 1,14% xuống 33.910,85 điểm; Nasdaq Composite tăng 0,14% lên 11.095,11 điểm; S&P 500 giảm 0,2% xuống 3990,97 điểm.
S&P 500 đang có dấu hiệu sẽ kiểm tra cung cầu sau khi đã lấy lại xu hướng.Tại châu Á, sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 3%- thấp hơn so với mức 5,5% mục tiêu, các chỉ số chứng khoán nước này đang có sự điều chỉnh nhẹ.
Chất xúc tác
Dòng tiền ngoại ở phiên hôm qua đã giải ngân mạnh nhất kể từ đầu năm với tâm điểm là rổ VN30. Theo thống kê, đã có gần 800 tỷ đồng đổ vào HOSE riêng trong phiên 17/11. VN30 đã nhận trực tiếp 530 tỷ đồng tiền ngoại bên cạnh lượng tiền giải ngân gián tiếp qua các ETF nội. E1VFVN30 phiên hôm qua nhận được 2,5 triệu USD. Ngoài ra, nhóm FUESSVFL nhận được 5,4 triệu USD còn FUEVFVND nhận được 1,2 triệu USD.
Bên cạnh đó, dấu ấn của tiền nội cũng được thể hiện khá rõ giúp cho thanh khoản chung của sàn đã vượt qua mức bình quân 20 phiên. Với trạng thái của tuần giao dịch đáo hạn phái sinh và ngay trước nghỉ Tết, những diễn biến này đang giúp cho tâm lý chung có được sự hứng khởi vượt mong đợi. Khối lượng mở OI của HĐTL VN30F2301 hiện cũng đã thu hẹp lại còn hơn 38.500 đơn vị và hợp đồng này gần như không còn chênh lệch đáng kể so với VN30.
Vận động nhóm ngành
Các nhóm ngành Thép, Chứng khoán, Bất động sản, Đầu tư công, Dầu khí đã tăng giá rất đồng đều ở phiên hôm qua thay vì chỉ phó mặc cho nhóm Ngân hàng. Các diễn biến giao dịch trong phiên sáng 18/1 vẫn đang duy trì được sắc xanh trên diện rộng. Gần như trong toàn bộ thời gian của phiên sáng, luôn có khoảng 60% mã tăng giá.
Trên sàn ghi nhận một số mã như DBC (+5,73%), SCR (+6,84%), TCM (+6,5%), DIG (+4,84%) nhưng hầu hết đây là các trường hợp thuộc top đi sau xu hướng chung.
Nhóm dẫn dắt thị trường là Ngân hàng hiện chỉ ghi nhận biên độ tăng vừa phải như CTG (+0,5%), VCB (+1,8%). Một số còn đang giao dịch giằng co như BID (+0,1%), MBB (0%), TCB (-0,2%), OCB (0%), EIB (0%).
Theo thông tin mới nhất về EIB, Ngân hàng này sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 lần 2 vào ngày 14/02/2023. Hiện SMBC đã thông báo đã chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn của Ngân hàng này.
Các cổ phiếu Đầu tư công thì vẫn đang có sự "lì lợm" ở VCG (+2,2%), HHV (+2,8%), LCG (+1,44%) và cũng không hề có sự vội vàng nào. VCG vừa mới công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai chào bán 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ (bằng 83% tổng số lượng đang niêm yết của công ty) với giá bán bằng mệnh giá.
Tại nhóm Dầu khí, PVD (-0,2%) sau phiên tăng gần 5% lại đang tạm thời giằng co để nhường lại sự chú ý cho các mã PVS (+3,3%) và PVC (+2%) trên HNX, BSR trên UPCoM.
VN-Index chốt phiên sáng tăng 8,07 điểm lên 1.096,36 điểm (+0,74%). Giá trị giao dịch sàn đạt 4.832 tỷ đồng trong khi khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 280 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index gần như khá tương đồng, lần lượt tăng 0,8% và 0,81%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn này đang là hơn 870 tỷ đồng.