VN-Index tiếp tục chấp chới với thanh khoản yếu, lực cầu như "mất hút" ngay cả khi có điều chỉnh đáng để.
Thị trường chứng khoán hiện có những nhóm ngành đề kháng khá tốt như dầu khí, đầu tư công nhưng không thể phủ nhận đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng với BID và VCB là những trụ cột đang giữ cho VN-Index vẫn còn bám được theo diễn biến chung của thế giới.
Các mã này vẫn đang có xu hướng tăng ngắn hạn và dài hạn, nhưng chỉ cần một chút điều chỉnh là đã tạo ra xáo trộn trên thị trường khi dòng tiền vẫn liên tục tỏ ra yếu kém.
Định vị thị trường
Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong đêm qua sau khi có thông tin Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta - ông Raphael Bostic muốn nâng lãi suất thêm 0,25%.
Các chỉ số chứng khoán đã có những động thái thoát khỏi ảnh hưởng tâm lý từ các phiên trước và đều duy trì được sắc xanh trong phiên sáng nay. CSI 300, SHCMP, NIKKEI 225 , TWSE vẫn tăng điểm trong sáng nay, trong đó NIKKEI 225 còn tăng được trên 1%.
VN-Index hiện vẫn đang mất phương hướng sau các phiên tăng/giảm đan xen và cách đường MA200 khoảng 100 điểm. Trạng thái tăng điểm ngắn hạn không quá khó để lấy lại nhưng cũng gần như chưa có một nỗ lực nào xuất hiện. Thanh khoản vẫn tiếp tục là điểm trừ của thị trường giai đoạn này.
Chất xúc tác
Nhà đầu tư ngoại đang có tuần bán ròng thứ 4 của năm 2023 và là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp. Điều này khó có thể đảo ngược trong phiên cuối tuần bởi giá trị bán ròng của tuần này đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Ở phiên sáng nay, họ còn đang bán ròng tiếp khoảng 100 tỷ đồng với HPG (-31 tỷ đồng), FUEVFVND (-13,05 tỷ đồng), VCB (-12,5 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Lũy kế mua ròng của khối ngoại đến trước phiên 3/3.
Trong khi đó, nhà đầu tư nội vẫn thờ ơ với thị trường chung. Giá trị giao dịch các phiên gần đây liên tục suy giảm thể hiện qua quy mô chỉ còn đạt 6.000-7.000 tỷ đồng/phiên.
Mức giao dịch sáng nay của HOSE còn thấp hơn cả sáng qua nên trạng thái này có thể vẫn sẽ chưa thể được khắc phục.
Về bối cảnh, sau giai đoạn căng thẳng và leo cao, lãi suất ngân hàng đã và đang hạ nhiệt. Thị trường đang chờ đợi các ngân hàng tiếp tục hạ "trần" lãi suất huy động thỏa thuận thêm một bước nữa vào đầu tuần tới.
Thanh khoản hệ thống không thiếu, thậm chí dư thừa. Số dư tiền Ngân hàng Nhà nước hút bớt về qua kênh tín phiếu hiện đã lên tới hơn 160.000 tỷ đồng - một kỷ lục "thừa tiền" trong nhiều năm trở lại đây, xét về mức độ và thời điểm.
Vận động nhóm ngành
Theo báo của HOSE, vốn hóa của sàn đã giảm 4,08 triệu tỷ đồng trong tháng 2, giảm 7,83% so với tháng 1. Trong số các mã vốn hóa lớn nhất, 2 cổ phiếu Ngân hàng VCB và BID đang dẫn đầu.
Xét về xu hướng, cả 2 đều vẫn đang là những cổ phiếu có xu hướng tích cực và giữ thị trường còn chưa giảm sâu trong bối cảnh VIC, VHM, MSN đều đang tụt dốc nhanh trong tháng 2. Các mã như GAS, SAB, VNM đều không thể hiện được đóng góp nào trong nhiều tuần trở lại đây nên vị thế của VCB và BID lại càng trở nên quan trọng.
Nếu có những diễn biến bất lợi với VCB và BID thì kết cục của VN-Index có thể sẽ còn trở nên tiêu cực hơn và khó có thể giữ được mốc 1.000 điểm. Trước khi các cổ phiếu lớn khác có những động thái mới từ các cổ phiếu lớn khác thì kịch bản ưu tiên là cho 2 mã này ít nhất nên đi ngang ở vùng giá cao.
Trong sáng nay, VCB và BID đều giảm giá nhẹ và thị trường ngay lập tức cho thấy tâm lý chung dễ bị tổn thương thế nào. Sắc đỏ bao phủ 27/30 mã tại VN30. Nhiều mã ngân hàng trong rổ như HDB (-2,5%), TCB (-1,5%), CTG (-0,9%), MBB (-0,9%), STB (-0,8%), ACB (-0,8%) đều giảm giá theo.
Trong số này, STB là trường hợp đặc biệt khi đang có những câu chuyện riêng giúp cổ phiếu luôn được giữ nhịp. Phiên 1/3 là phiên điển hình khi cổ phiếu này tăng trần trong khi các mã ngân hàng khác đều chỉ tăng trong biên độ hẹp.
Với một loạt cổ phiếu ngân hàng giảm điểm, VN-Index cuối phiên sáng giảm 8,02 điểm xuống 1.029,59 điểm. Sắc đỏ trùm lên 62% số mã trên HOSE. Giá trị giao dịch của HOSE đạt 2.744 tỷ đồng.
Hai nhóm ngành có sức đề kháng tốt nhất là dầu khí và đầu tư công không hoàn toàn bị triệt tiêu hết sức mạnh nhưng hiện tượng phân hóa đang khiến cho LCG (+1,27%), PVD (+1,15%) không có được sự ủng hộ của các cổ phiếu cùng ngành.
Nhóm bất động sản với thực lực yếu lại phải chứng kiến DIG (-6,35%) giảm sâu trong sáng nay. DIG đã có lúc giảm sàn và đã đạt khối lượng giao dịch 11,8 triệu đơn vị cho thấy lực bán tháo vẫn chưa thể chấm dứt sau một phiên đi ngang. Các cổ phiếu NLG, SCR, PDR, NVL hiện cũng đang giảm giá từ 1-3%.
VN-Index sáng 3/3Trên HNX và UPCoM, hiệu ứng đầu tư công và dầu khí đang bị "trung hòa" khi PVS (+0,7%), HUT (0%), BSR (+1,2%) không thể tạo ra động lực cho 2 chỉ số. HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt mất 0,38% và 0,12%. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 700 tỷ đồng.