
Ngày 17/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức hoàn tất kế hoạch chuyển giao bốn ngân hàng yếu kém. Theo đó, GPBank được chuyển giao bắt buộc cho VPBank, trong khi DongA Bank (nay là Vikki Bank) về HDBank.
Trước đó, vào ngày 17/10/2024, NHNN đã thực hiện chuyển giao bắt buộc OceanBank (nay là MBV) cho MB và CB (nay là VCBNeo) cho Vietcombank.
Sau khi chuyển giao, các ngân hàng này tiếp tục hoạt động dưới mô hình ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu của các ngân hàng lớn. Họ được phép thực hiện đầy đủ các hoạt động kinh doanh theo quy định của ngân hàng thương mại. Quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cùng các quyền và nghĩa vụ của khách hàng tại bốn ngân hàng này vẫn được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định pháp luật. Đặc biệt, các ngân hàng được chuyển giao vẫn duy trì tư cách pháp nhân độc lập và không hợp nhất báo cáo tài chính với ngân hàng nhận chuyển giao.
Theo NHNN, việc chuyển giao bắt buộc được thực hiện theo quy định pháp luật và đã qua phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Mục tiêu chính là từng bước phục hồi hoạt động của các ngân hàng yếu kém, khắc phục tồn đọng, đồng thời hướng đến việc xây dựng các ngân hàng này trở thành tổ chức tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động ổn định.
Trước khi chuyển giao, bốn ngân hàng này từng bị NHNN đặt vào diện kiểm soát đặc biệt do tích lũy lượng lớn nợ xấu và lỗ lũy kế qua nhiều năm.
Mặt khác, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ nhận được một số lợi ích và miễn trừ từ NHNN, bao gồm tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng (chẳng hạn như MBBank kỳ vọng tăng trưởng tín dụng nhanh hơn 1,5-2 lần so với trung bình của ngành), hỗ trợ thanh khoản, được vay tái cấp vốn từ NHNN với lãi suất thấp, được cho phép phát hành trái phiếu dài hạn cho Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, được giảm 50% dự trữ bắt buộc. Ngoài ra, các ngân hàng này còn được hưởng các miễn trừ theo quy định như không hợp nhất báo cáo tài chính với ngân hàng được chuyển giao và loại bỏ các khoản cho vay ngân hàng được chuyển giao khi tính toán các tỷ lệ an toàn.
Được biết, các ngân hàng lớn tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém của NHNN đã cung cấp nguồn lực quản lý và kỹ thuật cho các ngân hàng được chuyển giao nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh, chính sách và quy trình hoạt động.
Ngoài ra, một số ngân hàng lớn có kế hoạch bơm vốn mới vào các ngân hàng được chuyển giao sau khi lỗ lũy kế giảm hoặc được giải quyết toàn bộ.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại VIS Rating, bộ đệm vốn mạnh hơn sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán và sự phục hồi của các ngân hàng được chuyển giao trước những cú sốc trong tương lai, nâng cao niềm tin của thị trường vào khả năng hoạt động liên tục của các ngân hàng được tái cơ cấu.
Chuyên gia cũng kỳ vọng tác động trực tiếp từ các ngân hàng mới được chuyển giao tới các ngân hàng lớn là không đáng kể, do quy mô các ngân hàng được chuyển giao còn tương đối nhỏ so với các ngân hàng lớn và các ngân hàng lớn có đủ nguồn lực để hấp thụ và quản lý hoạt động của ngân hàng được chuyển giao.
Tuy nhiên, VIS Rating cũng đưa ra cảnh báo rằng, trong bối cảnh kinh tế và nhu cầu tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, rủi ro tài sản có thể tăng tại các ngân hàng nhận chuyển giao do sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cao hơn để mở rộng cho vay tại một số ngành, từ đó làm tăng rủi ro cho vay tập trung và khả năng dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro sự kiện.