Thị trường dầu sau tuyên bố giảm sản lượng mới nhất từ Nga

Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu tăng lên trong khi Nga và OPEC cũng chỉ có nguồn cung tương đương như trước hoặc thấp hơn, như vậy giá dầu hoàn toàn có lý do để tăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu như vậy phục hồi sau khi giảm trước đó trong phiên bởi nhà đầu tư tính đến kế hoạch của Nga liên quan đến việc giảm sản lượng cũng như lo lắng về khả năng nhu cầu ngắn hạn sụt giảm.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 4/2023 tăng 22 cent tương đương 0,3% lên 86,61USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao hợp đồng tương lai tăng 42 cent tương đương 0,5% lên 80,14USD/thùng.

“Những yếu tố căn bản hỗ trợ cho giá dầu hiện vẫn rất mạnh”, chuyên gia phân tích tại tổ chức Price Futures Group – ông Phil Flynn chỉ ra.

Ông Flynn nhận định khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ tăng lên trong khi Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng chỉ có nguồn cung tương đương như trước hoặc thấp hơn, như vậy giá dầu hoàn toàn có lý do để tăng.

Trước đó trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần sau khi Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, công bố sẽ giảm sản lượng ước tính 500.000 thùng dầu/ngày ngay trong tháng 3/2023, mức này tương đương khoảng 5% sản lượng. Động thái này của Nga được tính toán để “trả đũa” lại các biện pháp hạn chế của phương Tây áp với xuất khẩu dầu của Nga.

Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết hiện nhóm OPEC+ không hề có kế hoạch sẽ tổ chức họp sớm hơn thường lệ theo lịch đã lên sẵn bởi cung cầu dầu trên thị trường hiện đang ở ngưỡng cân bằng.

Trong tuần trước, cả giá dầu Brent và dầu WTI tăng hơn 8% nhờ vào những lạc quan liên quan đến quá trình phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc sau khi các biện pháp kiểm soát COVID-19 được gỡ bỏ vào tháng 12/2022.

Các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Mỹ đồng thời tăng trong ngày thứ Hai.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không ngừng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, chính vì vậy rất nhiều thành viên thị trường lo lắng về khả năng hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu dầu chững lại.

“Thật khó để nói quá về tầm quan trọng của riêng số liệu này khi mà giới đầu tư và Fed đang cố gắng xác nhận cho xu thế sụt giảm dần trong vài tháng gần đây”, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Ebury – ông Matthew Ryan nói.

Không chỉ vậy, những nỗi lo về nguồn cung tạm thời thuyên giảm khi mà hoạt động cung cấp dầu qua cảng Ceyhan được nối lại từ ngày thứ Hai, đây là chuyến đầu tiên tính từ thảm họa động đất trong khu vực vào ngày 6/2/2023.

Cảng Ceyhan là trung tâm dự trữ và vận chuyển dầu từ Azerbaijan và Iraq.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tại 7 khu vực lòng chảo lớn nhất trong tháng 3/2023 được dự báo cũng tăng lên ngưỡng cao nhất chưa từng có, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày thứ Hai.

Chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các nước công nghiệp phát triển G7 trong những tháng gần đây áp dụng các biện pháp làm giảm nguồn doanh thu dầu của Nga, một nguồn tiền quan trọng cho ngân sách của nước này.

Các động thái này có tính đến việc EU cấm phần lớn dầu thô và áp trần giá dầu 60USD/thùng với dầu của Nga. Cơ chế này yêu cầu các doanh nghiệp vận tải và bảo hiểm phương Tây phải tuân thủ giá trần.

Phía Nga đã khẳng định sẽ không tuân thủ quy định áp trần giá dầu. Cho đến nay, Nga đã giữ sản lượng dầu ở ngưỡng ổn định. Đã nhiều năm nay, Moscow đã điều phối chính sách sản lượng dầu với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhóm vốn bao gồm chủ yếu các doanh nghiệp dầu phương Tây nhiều năm nay đã có những động thái điều chỉnh sản lượng nhằm hỗ trợ cho giá dầu toàn cầu.

Vào ngày thứ Sáu vừa rồi, Kremlin cho biết họ đã tham vấn với một số nước thành viên thuộc liên minh OPEC+, trong đó có bao gồm Nga và các nước sản xuất dầu. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuy nhiên cho biết động thái mới nhất từ phía Nga hoàn toàn tự nguyện.

Theo Lao Động và Công Đoàn

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE