Thị trường chứng khoán thế giới chốt tuần này (15-19/7) bằng một phiên lao dốc.
Sự cố gián đoạn máy tính toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, khi hàng loạt các công ty dịch vụ lớn, trong đó có các hãng máy bay, ngân hàng, hệ thống đường sắt, đài truyền hình, các bệnh viện…, bị ngừng hoạt động.
Đi kèm với đó là đồng USD cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Cuối ngày 19/7, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu, thước đo “sức khỏe” cổ phiếu thế giới, giảm 6,58 điểm, tương đương 0,8%, xuống còn 810,87 điểm.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, khép lại phiên giao dịch cùng ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 377,49 điểm, tương đương 0,93%, xuống 40.287,53 điểm. Chỉ số S&P 500 bốc hơi 39,59 điểm, tương đương 0,71%, về mức 5.505 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 144,28 điểm, tương đương 0,81%, còn 17.726,94 điểm.
Tính chung cả tuần, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận mức giảm phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2024.
Trong khi đó, chỉ số biến động CBOE (VIX , chỉ số đo lường trạng thái biến động của thị trường chứng khoán) - "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall, đã chạm mức cao nhất trong gần ba tháng.
Sắc đỏ cũng bao trùm các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á trong phiên cuối tuần này. Sàn giao dịch chứng khoán London (LSE) thậm chí đã không thể mở cửa phiên giao dịch đúng giờ theo thường lệ vào đầu giờ ngày 19/7.
Chiến lược gia về đầu tư toàn cầu Jeff Kleintop từ công ty Charles Schwab cho biết sự cố gián đoạn máy tính toàn cầu trong ngày 19/7 đã nêu bật những rủi ro có thể xảy ra với chuỗi cung ứng. Đây cũng là lời nhắc nhở đáng lo ngại về việc các hệ thống đã được tích hợp một cách sâu sắc như thế nào.
Trước sự cố máy tính, trong tuần này, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã tạo dấu ấn quan trọng khi đạt mức cao kỷ lục mới vào cuối phiên giao dịch ngày 16/7 nhờ thông tin tích cực về doanh số bán lẻ của Mỹ hỗ trợ quan điểm cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến tới chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng hai chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 đều ghi nhận tuần hoạt động tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2024.
Cả hai chỉ số này cùng có phiên tăng điểm hồi đầu tuần, nhưng đã quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 17/7, do nhóm cổ phiếu vi mạch lao dốc trước lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, làm trầm trọng thêm xu hướng nhà đầu tư rời bỏ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.
Giữa các diễn biến kinh tế điều hướng tâm lý thị trường trong tuần qua, nổi bật nhất là thông tin Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, John Williams, đã nhắc lại cam kết của Fed trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%.
Kết quả đo lường từ công cụ FedWatch của CME cho thấy các thị trường tài chính ước tính 93,5% khả năng Fed sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất khi kết thúc cuộc họp tháng 9/2024.
Trong tuần này, một số công ty đại chúng lớn toàn cầu đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Dự kiến tuần tới, các doanh nghiệp khổng lồ như Tesla, Alphabet (công ty mẹ của Google), IBM và General Motors... cũng sẽ công bố kết quả kinh doanh, hứa hẹn tạo ra các “đợt sóng nhỏ” trên thị trường chứng khoán.
Chuyên gia Ryan Detrick, chiến lược gia hàng đầu về thị trường tại Carson Group, nhấn mạnh điều mà các nhà đầu tư đang chờ đợi là thông tin về sức khỏe tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ.