Chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên giao dịch ngày 18/7, đảo ngược từ đà tăng đầu phiên, khi các nhà đầu tư tiếp tục tránh xa cổ phiếu của các công ty có mức tăng trưởng vốn hóa lớn và giá cao, trong khi mùa báo cáo lợi nhuận quý II đang sôi động.
Cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Phố Wall đều giảm điểm trong phiên này, trong đó chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất, chấm dứt chuỗi phiên đóng cửa cao kỷ lục vừa qua. Cụ thể, đóng cửa phiên 18/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 533,06 điểm, tương đương 1,29%, xuống 40.665,02 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 43,68 điểm, tương đương 0,78%, xuống 5.544,59 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 125,70 điểm, tương đương 0,7%, xuống 17.871,22 điểm.
Đợt bán tháo cổ phiếu tiếp tục diễn ra một ngày sau khi chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2022 và nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực chip đánh dấu sự sụt giảm theo tỷ lệ phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ vụ đóng cửa hoảng loạn liên quan đến đại dịch vào tháng 3/2020.
Chỉ số biến động thị trường CBOE, thường được gọi là "chỉ số sợ hãi", chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2024.
Ông Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Ingalls & Snyder ở New York, cho biết: “Trong hai tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến sự luân chuyển dòng tiền sang các lĩnh vực khác, bao gồm cả các công ty vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ, vốn là những lĩnh vực tụt hậu. Thị trường đang loay hoay tìm hướng đi”.
Dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã cao hơn ước tính của các nhà phân tích, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy thị trường lao động đang suy yếu. Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đây là một bước cần thiết để đưa lạm phát vào lộ trình hạ nhiệt bền vững.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe có tỷ lệ giảm lớn nhất, trong khi cổ phiếu năng lượng là nhóm tăng giá duy nhất.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên 18/7, chỉ số VN-Index tăng 5,78 điểm (0,46%) lên 1274,44 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,59 điểm (0,66%) lên 242,49 điểm.