Thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tiếp, được đánh giá là cứu cánh giúp thị trường chứng khoán hồi phục. Tuy nhiên, liệu khối này có duy trì xu hướng mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như VN-Index có giữ được đà hồi phục thời gian qua?...
Chúng tôi ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về các vấn đề nhà đầu tư quan tâm:
Mưa đã tạnh, khủng hoảng đã qua
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam
Tuần qua, thị trường trong nước có những đợt rung lắc đến từ việc nhà đầu tư cá nhân chốt lời. Trong giai đoạn tăng vừa rồi có một số nhà đầu tư bắt đáy kịp đã lãi 5-10%, họ chốt lời bảo toàn lợi nhuận.
Với giao dịch khối ngoại tuần rồi, lượng mua ròng của khối này ít hơn tuần trước nhưng số tiền mua vẫn là cao, đạt gần 700 tỷ tới gần 1.000 tỷ mỗi phiên, được đánh giá là tích cực so với thời điểm trước.
Việc mua ròng do định giá thị trường ở vùng thấp dù thị trường đã có đợt tăng nhưng P/E vẫn ở 10 lần. Trong khi P/E thị trường ở giai đoạn ổn định thường là 17-18 lần. Họ nhận thấy mặt bằng giá cổ phiếu thấp hơn trước rất nhiều.
Thứ hai định giá P/B vẫn có nhiều cổ phiếu có thị giá dưới giá trị sổ sách. Trong khi thời điểm thị trường tốt, định giá lúc nào cũng cao hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Theo đó vẫn còn lý do để khối ngoại mua ròng trong thời gian tới.
Ngoài ra việc mua ròng của các quỹ đầu tư vẫn còn tiếp diễn. Do một số quỹ ETF nội, ngoại hiện trở lại trạng thái hút ròng dòng tiền vào Việt Nam, đều thấy dòng tiền dương.
Đặc biệt trong thời gian qua, tỷ giá ngoại hối giảm đi nhiều. Cộng thêm Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) cho tín hiệu sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất điều hành và khả năng tăng của Fed giãn ra nhiều hơn so với trước. Điều này là thông tin tích cực với ngành tài chính, làm giảm áp lực lên tỷ giá cũng như giảm việc phải tăng lãi suất tại Việt Nam.
Vì vậy dòng vốn trú ẩn an toàn bắt đầu tìm đến khoản rủi ro cao hơn, đặc biệt là chứng khoán, trong đó những thị trường cận biên, mới nổi như Việt nam sẽ hút dòng vốn này rất lớn. Vì vậy dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam. Kể cả sang năm 2023 thì dòng vốn giải ngân ròng vào thị trường vẫn còn.
Tôi cho rằng, với kết quả kinh doanh doanh nghiệp tốt, có thể biên lợi nhuận không cao như năm trước nhưng khi về đích vẫn có lợi nhuận dương, đáp ứng các tiêu chí về mặt tài chính, kỳ vọng của nhà đầu tư. Theo đó, giúp nhà đầu tư về tài chính yên tâm, mạnh dạn giải ngân.
Thứ hai dòng vốn ngoại như đề cập ở trên đẩy mạnh vào Việt Nam cho nên lực cầu từ khối này vẫn còn khá nhiều.
Kết hợp hai yếu tố trên, tôi cho rằng từ nay tới cuối năm mở ra nhiều cơ hội. Kịch bản tích cực biên độ dao động VN-Index từ 1.100 -1.200 điểm. Cá nhân tôi thị trường sẽ vận động theo khuynh hướng tích cực, mưa đã tạnh, đã qua giai đoạn khủng hoảng.
Nhà đầu tư cá nhân quyết định xu hướng thị trường
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Maybank Investment Bank
Tôi nghĩ xu hướng tăng của thị trường khó duy trì trong thời gian tới. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể tiếp tục mua ròng, tuy nhiên cần lưu ý động lực từ khối ngoại là không đủ. Tôi đã từng nhận định xu hướng thị trường mùa World Cup là tích cực, hiện đã vào giai đoạn cuối giải đấu này, xu hướng thị trường sẽ yếu đi.
Hiện nay dòng tiền khối ngoại vẫn ổn nhưng động lực tăng tiếp bắt đầu yếu đi, có thể thị trường chưa tiêu cực ngay nhưng mức độ tích cực dần giảm đi. Cuối tuần qua có thể nhìn thấy mới 1,2 phiên chưa đánh giá được.
Cần lưu ý, giai đoạn 2020-2021 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thì thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên năm nay khối ngoại mua ròng thì thị trường lại xuống lại. Thành ra khối ngoại không ảnh hưởng với thị trường Việt hiện nay, khối này chủ yếu thể hiện về mặt tâm lý là nhiều. Bởi vì khác với nhiều thị trường, thị trường Việt có tới hơn 90% nhà đầu tư là cá nhân, họ mới là yếu tố quyết định thị trường đi theo hướng nào.
Hai năm trước khối ngoại bán ròng thì khối nội mua ròng, tuy nhiên năm nay tất cả bán ròng chỉ có khối ngoại mua ròng. Thực chất khối này cũng chỉ mua ròng gần đây. Tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài ngày càng chiếm tỷ lệ nhỏ đi nên mức độ tác động ngày càng thấp lại.
Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân tổ chức lại đang bán ròng trên thị trường. Thêm nữa, giá nhiều cổ phiếu trong vòng 3 tuần qua đã tăng bằng lần. Giả dụ một cổ phiếu tăng từ mức 5.000 đồng lên 10.000 đồng, tức tăng gấp đôi. Giờ muốn tăng từ 10.000 đồng lên vùng 15.000 đồng hay 20.000 đồng thì phải có dòng tiền nữa. Nhưng dòng tiền hiện nay so với giai đoạn trước thì tỷ lệ còn rất xa, trong bối cảnh dòng tiền đang thắt chặt không chỉ riêng Việt Nam mà toàn thế giới.
Có thông tin một số ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất, nhưng cần lưu ý là việc hạ này có điều kiện chứ không phải trong bối cảnh bình thường, không phải ai cũng tiếp cận được mức lãi suất hạ đó. Thêm nữa lãi suất hạ thấp phục vụ những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực có tính đầu cơ nhưng chứng khoán không thuộc diện này.
Nhìn chung thị trường trong trung hạn vẫn còn nhiều áp lực. Việc thị trường hồi phục trong gần một tháng qua do đã giảm quá mạnh, nhiều cổ phiếu thậm chí chia 5 chia 10, việc hồi lại vùng đỉnh cũ là rất xa. Nhà đầu tư cứ vui nhưng đừng vui quá, cần tỉnh táo, trong bối cảnh dòng tiền trên thế giới bị thắt chặt, dù việc thắt chặt có thể giảm nhưng kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc.
Khả năng phục hồi của thị trường cần dòng tiền. Nhưng để có được dòng tiền dồi dào thì ít nhất chu kỳ tiền đắt phải bắt đầu thay đổi nhưng chu kỳ này chưa có dấu hiệu thay đổi. Như chúng ta vẫn nói việc Fed trong tháng 12 này có thể giảm mức độ tăng lãi suất, cần chú ý là họ giảm chứ không phải là không tăng. Ngay cả Fed không tăng lãi suất thì lãi suất vẫn nằm ở đỉnh một thời gian chưa thể rớt xuống liền. Thị trường tăng trong thời gian qua chỉ mang tính chất phục hồi ngắn hạn chưa chưa xác lập xu hướng tăng bền.
Với nhà đầu tư, tùy chiến lược đầu tư mà đưa ra quyết định cho mình. Tôi biết một số nhà đầu tư đã thoát ra hồi thị trường ở vùng 1.500 điểm và gửi tiết kiệm, đợi qua tết mới tính. Tuy nhiên số lượng này ít, số nhiều nhất là bị kẹp hàng. Với số này, đặc biệt nhà đầu tư sử dụng margin, tôi thấy hiện là cơ hội đẹp để giảm bớt tỷ trọng xuống.
Với những nhà đầu tư cầm quá nhiều cổ cũng có thể giảm bớt tỷ trọng. Với người cầm quá nhiều tiền mà theo hướng đầu tư ngắn hạn đang muốn “đu” theo thị trường thì không nên. Họ cần lưu ý, chỉ trong thời gian ngắn rất nhiều cổ phiếu đã tăng bằng lần, thị trường đã xuất hiện hiện tượng “fomo”.